Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện biến đổi, giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo

09:23, 07/12/2021

Hội thảo khoa học “Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách” vừa được tổ chức trực tuyến giữa 3 điểm cầu gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Đắk Lắk, Học viện Chính trị khu vực III. Tại hội thảo đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp góp phần bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở vùng Tây Nguyên.

Theo PGS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, ngoài các đặc điểm chung, có những đặc thù rõ nét, là giá đỡ, trụ cột đời sống tinh thần của cả cộng đồng cư dân, là hệ thống tín ngưỡng đa tầng, làm nên nền văn hóa cộng đồng phong phú, đặc sắc của Tây Nguyên. Sự du nhập của các tôn giáo, tín ngưỡng mới vào cộng đồng làm cho cơ cấu dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên đa dạng, phong phú nhưng cũng thay đổi văn hóa cộng đồng, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.

1
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy trình bày tham luận tại hội thảo.

Các tôn giáo chính được Nhà nước công nhận như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, đạo Cao đài tiếp tục phát triển, thích ứng với đời sống, gắn bó chặt chẽ với người dân Tây Nguyên. Việc phát triển tôn giáo sẽ làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, đồng thời hình thành nên cộng đồng tôn giáo mới. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tà đạo đã gây nên nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Đặc biệt, các phần tử xấu, thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi của quan hệ dân tộc, tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tham luận và phát biểu tại hội thảo đều khẳng định, trong những năm qua với sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, nhờ đó, đời sống của đồng bào Tây Nguyên từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo.

 

“Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận về quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở vùng Tây Nguyên, đánh giá thực trạng và xu hướng biến đổi, từ đó cung cấp những luận cứ khoa học làm cơ sở đề xuất các giải pháp đồng bộ, đột phá, khả thi để kiến nghị Trung ương các cơ chế, hoàn thiện chính sách dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nguyên”.

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang có biểu hiện dần mai một dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Để giải quyết thực trạng trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó việc triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong việc tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đóng vai trò quan trọng, quyết định.

Các đại biểu cũng cho rằng, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo ở vùng Tây Nguyên cần có cơ chế, chính sách đặc thù, quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến đời sống, nhu cầu văn hóa, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của đồng bào; các vấn đề về di dân tự do, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng phù hợp với mỗi đối tượng, dân tộc. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động dân tộc, tôn giáo, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống lại sự chia rẽ dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phần tử phản động.

PGS.TS. Buôn Krông Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên trình bày tham luận tại hội thảo.

Khẳng định tôn giáo gắn liền với văn hóa dân tộc, tạo môi trường để bảo vệ, duy trì, phát huy văn hóa truyền thống, PGS. TS. Nguyễn Thanh Xuân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tăng cường đối ngoại tôn giáo, ngoại giao nhân dân góp phần giải quyết các mối quan hệ tôn giáo – dân tộc ở Tây Nguyên. Còn ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nêu đề xuất định hướng chính sách về tôn giáo nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk. Trong đó khẳng định cần thực hiện tốt công tác phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo; có giải pháp thiết thực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tại chỗ; xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở là tín đồ các tôn giáo để triển khai các chủ trương chung về bảo tồn các giá trị văn hóa...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.