Multimedia Đọc Báo in

Vui Xuân với Lễ hội Lồng Tồng ở Cư M'gar

10:11, 08/02/2017

Mùng 6 Tết âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của đồng bào Tày, Nùng ở thôn 3, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar). Với họ, Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng) có lẽ là dịp lễ mà cả làng vui nhất để thỏa nỗi nhớ quê hương khi đang mưu sinh trên miền đất mới…

Đây được coi là lễ hội quan trọng vào dịp đầu năm mới của đồng bào Tày, Nùng với mục đích cầu cúng thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc - cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, nảy lộc, mùa màng bội thu, mọi người dồi dào sức khỏe, nhà nhà ấm no, yên vui.

Từ Cao Bằng, Lạng Sơn vào Đắk Lắk mưu sinh, lập nghiệp từ những năm 1990, hằng năm, đồng bào Tày, Nùng ở Cư M’gar vẫn duy trì tổ chức đều đặn Lễ hội Lồng Tồng. Xa quê hương hơn 20 năm, bà Nông Thị Phoi (dân tộc Nùng, ở thôn 5, xã Cư M’gar) nhớ lại, ở quê, vào đầu năm, thường thì trong khoảng thời gian từ ngày mùng 2 đến 30 -1 âm lịch, Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức để mở mùa gieo trồng mới. Vào Đắk Lắk lập nghiệp, cộng đồng người Tày, Nùng ở đây đã thống nhất ấn định ngày mùng 6 Tết hằng năm để tổ chức lễ hội (diễn ra trong 1 ngày) và vẫn theo tục lệ từ ngàn xưa, hội có phần lễ và phần hội.

Thực hiện nghi lễ cúng tại Lễ hội Lồng Tồng.
Thực hiện nghi lễ cúng tại Lễ hội Lồng Tồng.

Lễ được bắt đầu bằng phần nghi lễ cúng thần và cầu mùa do 3 thầy cúng đảm nhận (một người cúng chính và 2 người phụ) cùng với một số người múa chầu phù họa. Mâm lễ dâng lên trời - đất được dân làng chuẩn bị chu đáo gồm: một con gà, xôi 4 màu, mâm ngũ quả, hoa, 5 chén gạo, 9 chén rượu. Thầy cúng đọc bài lễ và lời khấn vái với nội dung: “Cầu cho mưa thuận gió hòa, nước vào ruộng đầy, mọi vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mọi người sức khỏe, xóm làng bình yên no ấm, mùa màng bội thu”.

Sau phần lễ trang nghiêm, mọi người bắt đầu vào phần hội. Dĩ nhiên, không thể thiếu vài điệu then, lượn cất lên để mở màn, không khí của một hội Xuân xứ Lạng thật sự tràn về, làm lâng lâng lòng người. Nhiều tiết mục đặc sắc được Câu lạc bộ Đàn tính – hát then Quê hương (xã Cư M’gar) biểu diễn để phục vụ bà con dịp này. Bà Lý Thị Thắng (dân tộc Nùng, thôn 5) cho hay, nghe các điệu then, hát lượn ngày hội khiến bà có một cảm xúc thật khó tả, như đang đón cái Tết trên chính mảnh đất Cao Bằng vậy, vì thế mùa Xuân về trên miền đất mới trở nên ấm lòng hơn.

Phần hội càng trở nên sinh động, náo nhiệt hơn khi mọi người cùng hào hứng tham gia vào các trò chơi dân gian đặc sắc như: tung còn, đánh cù, đi qua cầu kiều, bịt mắt đánh trống… Hội tung còn có lẽ thu hút già, trẻ, gái, trai hơn cả. Khi đôi còn được tung lên trong đôi tay những chàng trai, cô gái cũng là lúc chính thức bắt đầu cho cuộc vui. Ném còn làm cho người trong cuộc thì hào hứng tung thật cao và chính xác, người đứng ngoài, vây thành vòng xung quanh hò reo, cổ vũ khiến không khí cuộc chơi sôi nổi, hấp dẫn hẳn lên. Người Tày, Nùng quan niệm, ai ném quả còn trúng tâm sẽ là người gặp nhiều may mắn nhất trong năm. Vì vậy, trong ngày hội, già, trẻ, gái trai cố rướn người, thi nhau tung sao cho quả còn có đường đi đẹp nhất và trúng vào chính hồng tâm. Hội còn cũng là dịp để trai gái gặp gỡ, bày tỏ tình cảm và se duyên cho nhiều mối tình thêm thắm.

Người dân tham gia trò chơi đi qua cầu kiều.
Người dân tham gia trò chơi đi qua cầu kiều.

Phong vị ngày xuân ở Lễ hội Lồng Tồng chắc chắn không thể thiếu các món ăn dân dã, mang đậm truyền thống ẩm thực độc đáo của dân tộc Tày, Nùng như puất cháo (vịt quay), bánh dày (pẻng dày), phúng xòong (lạp xưởng), khẩu nua đăm đeng (xôi tứ sắc)… Chị Bế Thị Vinh (dân tộc Tày) cho biết, hai loại bánh dày và xôi 4 màu là thứ không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết của người Tày, nó tượng trưng cho mặt trời ở trên cao che chở cho dân bản, cây cối và 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.

Nhiều năm nay, Lễ hội Lồng Tồng đã trở thành một điểm nhấn văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng ở Cư M’gar và góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Quan trọng hơn, Lễ hội được tổ chức còn giúp cho những thế hệ con, cháu của đồng bào Tày, Nùng được sinh ra, lớn lên trên vùng đất mới vẫn nhớ về nguồn cội, giữ gìn và tô thắm thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Đỗ Lan - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.