Multimedia Đọc Báo in

Cá - món ăn truyền thống của dân tộc Thái trong ngày Tết

16:05, 22/01/2012

Về buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) vào ngày Tết cổ truyền được thưởng thức món cá truyền thống của người Thái Tương Dương (Nghệ An) mới thấy hết nghệ thuật chế biến món ăn lắm công phu và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo già Lô Quốc Hợi kể lại, xưa kia do thủy sản trong các sông, suối rất nhiều, dễ khai thác nên nguồn thức ăn từ thủy sinh đã trở thành thường nhật của người Thái. Nhiều món ăn được bà con chế biến theo cách riêng trở thành đặc sản và có những món đã vượt qua ý nghĩa ẩm thực thông thường để trở thành biểu trưng văn hóa trong lễ, tết… Với người Thái ở Ea Kuêh trên mâm cỗ ngày Tết trong mỗi gia đình dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu vắng món cá. Việc chế biến các món ăn hợp khẩu vị không những trở thành nhu cầu hằng ngày đối với đồng bào Thái, mà còn là một tiêu chuẩn để nhận xét, con người có lòng hiếu kính với tổ tiên và thần linh hay không. Đối với đồng bào Thái, cơm trắng, miếng cá bạc là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc vì vậy trong các lễ tết họ thường chọn những loại cá ngon nhất để chế biến các món ăn.

Người dân buôn Thái cúng tổ tiên
Người dân buôn Thái cúng tổ tiên

Tục ngữ Thái có câu: Gà tơ tần đem đến, không bằng cá gấp nướng đem cho. Người ta đánh giá món cá gấp nướng này sang trọng không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi sự ước lượng chuẩn xác và bàn tay khéo léo của người làm ra nó. Để làm được món cá gấp nướng, người dân thường chọn loại cá khoảng 0,5 kg trở lên, béo và mới được bắt từ sông suối, ao đầm về. Trước khi mổ cá phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều, người Thái không mổ cá đằng bụng mà phải mổ dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ tỏa mùi thơm ngấm vào thịt cá. Dao mổ cá phải là dao sắc lẹm, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần làm nát cá. Với người Thái, những món được chế biến từ cá khi ăn với cơm nếp dẻo cùng các loại rau thơm lấy từ rừng như: hoa chuối, lá sung, mắc khén… là những món ăn ngon đặc sắc thể hiện tính sáng tạo tuyệt vời của cư dân Thái. Các món cá của người Thái luôn mang hương vị đặc trưng khó quên là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, riềng, mắc khén và các loại rau thơm, trong đó đặc biệt là ớt và tỏi là hai thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nói về các gia vị của người Thái để chế biến món cá gấp nướng cũng như các món đặc sản khác thì vô cùng đa dạng phong phú. Cá gấp nướng phải ướp bằng ớt bột khô thì khi nướng cá mới thơm ngon và ướp đậm muối hơn một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp, để khoảng 5-10 phút mới nhồi vào bụng cá những loại gia vị đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng … gấp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng phải bằng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn thanh để kẹp cá chắc chắn. Sau đó nướng cá trên bếp than hồng bằng cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Người ngồi nướng cá phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa sẽ bị cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát. Có thể nói, những món ăn của người Thái là một sự gia công đúng mực về kỹ thuật và nghệ thuật. Cay thì thật cay, mặn thì thật mặn, chua cũng thật chua và chát thì không gì có thể chát hơn nhưng hấp dẫn chính lại là điểm ấy. Ngoài món cá gấp nướng người Thái còn chế biến nhiều món ăn khác từ cá như: món cá chua bỏ ống nứa, cá xông khói, cá mọc… Theo nhiều bà con dân tộc Thái cho biết, các món cá này rất ngon, cho nên trong các ngày lễ tết hoặc gia đình nào có con gái đến lúc gả chồng thì nhà gái bao giờ cũng muốn có những món “sơn hào hải vị” này để thết đãi bản làng. Những người có vai vế trong dòng họ, bản làng hoặc người ở xa đến dự đám cưới, khi trở về được chủ nhà biếu món này làm quà cho những người thân không đến được để tỏ lòng quý mến.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu năm mới, ngồi bên hiên nhà sàn thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo cùng chén rượu đậm men lá rừng ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mát lạnh của những ngọn rau thơm được người Thái nơi đây khéo léo chế biến trở thành một món ngon mà chỉ một lần được thưởng thức tôi vẫn còn nhớ mãi.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc