Multimedia Đọc Báo in

Một thời đánh Fulrô của An ninh vũ trang Dak Lak

09:09, 17/08/2010

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm ông Trần Cao Giảng, nguyên Phó Chỉ huy Ban An ninh Dak Lak, ở đường Trần Bình Trọng, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột. Mở đầu câu chuyện, ông nói với chúng tôi rằng: “Khi cả nước đã yên tiếng súng, vui hưởng hòa bình thì ở Dak Lak vẫn còn sự chết chóc, máu vẫn đổ hàng ngày bởi bọn phản động Fulrô. Trong khi đó, cuộc đấu tranh đánh diệt, bóc gỡ cơ sở ngầm Fulrô thời kỳ mới giải phóng gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ do những phức tạp về dân tộc, tôn giáo, địa bàn rừng núi hiểm trở”. Ông muốn bắt đầu như vậy là bởi ngay trong ngày đầu tiên giải phóng Dak Lak (10 - 3 - 1975), ông được Bộ Nội vụ điều động vào làm Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị thuộc Ty Công an Dak Lak, mà nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là ngăn chặn tội ác và xóa bỏ hoàn toàn tổ chức phản động Fulrô. Nhiệm vụ đó đã không thể giải quyết trong một hai năm mà kéo dài đằng đẵng gần 20 năm với biết bao xương máu của quân và dân các dân tộc Dak Lak.

Ngay từ những ngày đầu vào Dak Lak, ông Trần Cao Giảng đã cùng cán bộ, chiến sĩ không ngại gian khổ hy sinh, băng rừng vượt suối, ngày đêm bám buôn, bám rừng nắm tình hình. Từ đó đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phối hợp với công an, bộ đội thường xuyên phát động quần chúng. Qua đó đã tố cáo hàng trăm tên Fulrô nằm vùng, phát hiện hàng chục cơ sở ngầm của chúng, kêu gọi nhiều tướng, tá Fulrô đầu hàng. Trong đó có “thiếu tướng” Nay Guk, cố vấn quân sự Fulrô và Ya Đuk, “Đệ nhất Phó Thủ tướng” Fulrô (ông Ya Đuk về sau là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng) được kêu gọi đầu hàng năm 1982. Sau khi được cảm hóa, giáo dục, Nay Guk và Ya Đuk đã tự nguyện đến nhiều buôn làng tố cáo tội ác của Fulrô, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác với bọn chúng. Cũng thông qua công tác này, “Bộ trưởng Ngoại giao” Fulrô Y Gớt đã lật đổ “Thủ tướng” Y Djao Niê, bỏ căn cứ trung ương Fulrô ở Lâm Đồng về lại Dak Lak, ly khai tổ chức Fulrô. Tương tự, “Trung tá” Nay Phon cũng dẫn theo 20 tên Fulrô ra nộp vũ khí, đầu hàng chính quyền cách mạng.

Ông Trần Cao Giảng (trái), nguyên Phó ban An ninh Dak Lak kể chuyện đánh Fulrô.
Ông Trần Cao Giảng (trái), nguyên Phó ban An ninh Dak Lak kể chuyện đánh Fulrô.


Theo ông Giảng, Đội Trinh sát An ninh vũ trang thời kỳ đó có vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc đấu tranh xóa bỏ Fulrô. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh và Chỉ huy Ban An ninh, Đội Trinh sát An ninh vũ trang đã tổ chức truy quét, đánh diệt Fulrô hàng trăm trận ngoài rừng. Điển hình là trận đánh căn cứ liên lạc của “Bộ Tổng tham mưu” Fulrô tại khu vực đèo Cư Né (Krông Buk), tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên cầm đầu, trong đó có “Đệ nhất Phó Thủ tướng” Fulrô Yhet Krơ. Ngoài ra, lực lượng Trinh sát An ninh vũ trang Dak Lak còn phục kích, đón lõng chặn đánh các toán Fulrô vào buôn làng liên lạc, nhận tiếp tế lương thực. Trong cuộc đấu tranh xóa bỏ Fulrô, nhiều tấm gương dũng cảm đã xuất hiện mà tiêu biểu là đồng chí Y Ngoan, người đã điều khiển đặc tình dẫn trinh sát an ninh đánh phá căn cứ đầu não của Fulrô đóng ở Đầm Ròn (tức huyện Đam Rông, Lâm Đồng ngày nay).

Trong suốt thời gian từ 1975 đến 1991, cùng với cả Tây Nguyên, lực lượng an ninh vũ trang Dak Lak được nhân dân nhiệt tình ủng hộ đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện thắng lợi hàng chục chuyên án lớn, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên Fulrô gian ác. Kết quả này đã góp phần quan trọng đẩy tổ chức phản động Fulrô vào bước đường cùng, buộc chúng phải hạ vũ khí, tuyên bố đầu hàng lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc (UNTAC) tại Campuchia tháng 12 - 1992. Những cán bộ chiến sĩ an ninh Dak Lak thời kỳ đó hiện nay có người đã khuất, có người đã nghỉ hưu như ông Trần Cao Giảng, ông Y Ngoan nhưng tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mưu trí, dũng cảm của họ là tấm gương sáng cho các thế hệ An ninh Nhân dân Dak Lak hôm nay và mai sau noi theo. Chiến công của những con người ấy vẫn còn mãi trong lòng nhân dân các dân tộc Dak Lak bởi sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của họ đã góp phần đem lại cuộc sống bình yên, tốt đẹp hôm nay.

Nhã Bình

 


Ý kiến bạn đọc