Multimedia Đọc Báo in

Đội K51- hành trình 10 năm đi tìm đồng đội

16:18, 12/08/2010

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi tìm đến đội K51 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh), làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Qua tiếp xúc mới hiểu được phần nào những khó khăn và trọng trách thiêng liêng mà các anh đang làm : đưa những người con về với đất mẹ.

Hành trình đưa các anh về với đất mẹ
Để chuẩn bị cho việc tìm kiếm đạt hiệu quả, bắt đầu từ tháng 8 đội tiền trạm (7-8 chiến sĩ) đã sang trước Mulđulkiri (Campuchia) làm công tác dân vận. Đội đi về các phum, sóc khám chữa bệnh, phát thuốc, làm cầu đường, dựng nhà, đồng thời ghi chép lại những thông tin người dân địa phương phát hiện có hài cốt liệt sĩ trong lúc đi rừng, làm nương rẫy. Hướng dẫn cho họ nếu phát hiện vật dụng như bình đông, thắt lưng, khuy áo, tăng dù... thường chôn theo bộ đội sau khi hy sinh thì lập tức báo tin cho đội. Nhờ vậy, mùa khô 2008-2009, đội đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ do một người dân trong lúc đi săn bắn phát hiện. “Người dân ở các phum, sóc nước bạn đa số đời sống còn nghèo, khi được đơn vị tận tình giúp đỡ, họ rất quý và tin tưởng, có thông tin gì liên quan đến hài cốt liệt sĩ đều tìm cách liên hệ, báo tin cho đội biết”, anh Trần Văn Khương, bác sĩ của đội, người có nhiều năm làm công tác dân vận chia sẻ.

Tỉnh Mulđulkiri có địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, theo thời gian cây cối mọc um tùm, nhiều nơi người dân phát rừng làm rẫy, trồng cao su hoặc bom mìn, đạn, chất độc còn nằm rãi rác trong rừng khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Có những đợt tìm kiếm mà địa điểm quy tập cách nơi đội đóng quân xa gần cả trăm cây số, lại không thể cơ động bằng ô tô, xe máy, anh em phải lội bộ 3-4 ngày đường rừng mới đến nơi; Có khi đi gần đến nơi thì lương thực đã cạn, nếu quay về lấy thì mất thời gian, mọi người lại động viên nhau ăn rau rừng, hoặc bắt cá dưới suối. Mùa khô suối không có nước, phải gạn lá rừng tìm từng ngụm nước uống, hoặc dùng khăn ướt lau người thay cho tắm. Suốt 6 tháng mùa khô lùng sục tìm kiếm trong rừng thường xuyên cơ động, nên anh em đều phải ngủ võng. Chuyện anh em bị vắt cắn, gặp sốt rét như cơm bữa, có người về đơn vị rồi vẫn bị ốm như các chiến sĩ Hoàng Kim Thượng và Y Sinh Byă đang phải nằm điều trị ở bệnh viện vì bệnh sốt rét tái phát. Có những đợt tìm kiếm vô vọng, nhưng cũng có những lần thành công ngoài mong đợi. Anh Thành đội trưởng kể, mùa khô 2006-2007, trước tết, cả đội gần 20 cán bộ chiến sĩ đóng quân tìm kiếm cạnh suối Ôplai (thuộc huyện Bétchangđa, Muldulkiri) một địa điểm nghi ngày xưa bộ đội mình đóng quân, tìm gần một tháng nhưng không thấy hài cốt nào, đội đành quay về điểm đóng quân và ăn tết ngay trên đất bạn. Sau tết tiếp tục trở lại tìm kiếm, đội đã đào cả chục mét hào, hàng trăm mét khối đất đá..., kết quả đã tìm thấy và quy tập được 30 hài cốt liệt sĩ. Một lần khác, cả đội hành quân tìm kiếm, trong lúc ngồi nghỉ giải lao dưới một khóm le, một chiến sĩ trong đội thấy có tổ mối đùn lên, tò mò lấy cuốc đào thử thì gặp ngay một hài cốt liệt sĩ, nghi còn nhiều hài cốt quanh đây, đội xẻ giao thông hào tìm thêm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng có đầy đủ tên, địa chỉ, năm nhập ngũ, hy sinh. “Những lúc như vậy dù có mệt đến mấy cũng tiêu tan hết”, thiếu tá Bùi Quang Thành, đội trưởng đội tìm kiếm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoan và con gái đã không kìm được nước mắt khi tìm thấy hài cốt chồng là liệt sĩ Vũ Văn Hòa.
Bà Nguyễn Thị Hoan và con gái đã không kìm được nước mắt khi tìm thấy hài cốt chồng là liệt sĩ Vũ Văn Hòa.

Cầu nối đoàn tụ
Đội K51 được thành lập ngày 27-12-2000, đến nay trải qua chín mùa khô, đội đã tìm kiếm quy tập được 526 bộ hài cốt, trong đó 117 bộ hài cốt xác định được họ tên, quê quán, đưa những người con kiên trung về với đất mẹ. Gần đây nhất, mùa khô 2009-2010 đội K51 đã cất bốc, quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về truy điệu tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, trong đó có 3 hài cốt liệt sĩ còn tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ, hy sinh. Có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh dự buổi lễ truy điệu và an táng mới thấy hết được niềm vui, hạnh phúc vô bờ của người thân các liệt sĩ khi được gặp lại người thân của mình, dù rằng đó chỉ là những nắm xương. Sau bao nhiêu năm dài chờ đợi, tóc đã bạc, mắt đã mờ, khi nhận được tin báo đã tìm được hài cốt chồng là liệt sĩ Vũ Văn Hòa hi sinh 1966, bà Nguyễn Thị Hoan (69 tuổi, ở huyện Krông Pa – Gia Lai) cùng hai người con đã tạm gác công việc nhà tức tốc sang Dak Lak để gặp lại chồng, cha. Bà nghẹn ngào, đưa bàn tay run run sờ lên nắm đất: “Sao ông bỏ mẹ con tôi đi lâu thế. Đã mấy chục năm rồi, giờ gặp lại ông chỉ còn là nắm xương với đất!”. “Cha ơi! Gia đình mình giờ được đoàn tụ rồi”, chị Ngoan – con bà Hoan – cũng rưng rưng nước mắt. Trong ký ức, chị không biết mặt cha, chỉ biết cha qua những lời kể của mẹ, bởi lúc cha hy sinh chị mới hai tuổi, cậu em trai vừa tròn 2 tháng tuổi. Vượt hơn một ngàn cây số từ Hà Nội vào Dak Lak, ông Nguyễn Văn Lợi đã đón em ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng hy sinh 1975, về đoàn tụ với gia đình. “Cuối cùng con cũng được gặp cha, con và bác sẽ đưa cha về gặp mẹ, mẹ chờ giây phút sum họp này lâu lắm rồi ”, anh Nguyễn Văn Toàn con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng đã khóc òa bên hài cốt cha.

 

Lệ Văn

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.