Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán - một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán

17:43, 28/03/2013

Theo quy định tại khoản 8 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 - sau đây gọi chung là Hiến pháp 1992) thì Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 25 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán.

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định hai cơ chế bổ nhiệm Thẩm phán, đó là: Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực. Theo quy định này, việc bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án gần như mang tính nội bộ khép kín, ngoài Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (do Chủ tịch nước bổ nhiệm) thì Thẩm phán của tất cả các Tòa án còn lại đều do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm. Quy định này vô hình chung đã tác động, ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động xét xử của mỗi cấp tòa án, sự can thiệp của tòa án cấp trên vào công việc bổ nhiệm Thẩm phán cũng rất khó để đảm bảo được tính độc lập trong hoạt động của mỗi Thẩm phán. Thậm chí còn có ý kiến lo ngại “Tòa án các cấp khi phán quyết cũng đều nhân danh quyền lực Nhà nước, vì vậy thiết chế tòa án không thể là ngành tòa án, không thể là cấp trên, cấp dưới mà tòa án cấp huyện cũng có quyền ngang với tòa án tối cao về phương diện xét xử độc lập. Ấy vậy mà chúng ta lại quy định tòa án cấp trên đi bổ nhiệm cán bộ tòa án cấp dưới... Điều này có làm cho chất lượng xét xử kém hiệu quả?” (đại biểu Quốc hội Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp).  Mặt khác, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm tính độc lập của tòa án và tại Điều 130 Hiến pháp 1992 cũng đã quy định rõ “Khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; do đó, việc bảo đảm tính độc lập của các Thẩm phán để giảm thiểu tối đa sự can thiệp từ các yếu tố bên ngoài là yêu cầu hết sức cần thiết.

Nhiệm vụ cải cách Tư pháp nói chung, trong đó có cải cách hệ thống tòa án đã được Bộ Chính trị khẳng định rõ tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách Tư pháp là “Xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân” và việc “Tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng” cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách Tư pháp. Như vậy có thể thấy, cùng với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức của tòa án thì vấn đề nâng cao tính độc lập của Thẩm phán là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đặt ra phương hướng, nhiệm vụ của Chiến lược Cải cách tư pháp là phải “Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử... đối với hoạt động tư pháp”. Theo đó đã đặt ra yêu cầu phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng nhưng không ảnh hưởng tới tính độc lập của các Tòa án nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung; tăng cường sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có tòa án, mà ở đây chính là hoạt động xét xử của các Thẩm phán.

Để phù hợp với các yêu cầu về cải cách Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khắc phục những bất cập của việc bổ nhiệm Thẩm phán theo cơ chế pháp luật hiện hành, tại bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 chính thức được công bố để lấy ý kiến nhân dân lần này, cơ chế bổ nhiệm thẩm phán cũng đã được sửa đổi theo hướng “Quốc hội có quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”  (khoản 7 Điều 75 - sửa đổi, bổ sung Điều 84); “Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác” (Khoản 3 Điều 93 - sửa đổi, bổ sung Điều 103). 

Như vậy, Hiến pháp sửa đổi lần này đã bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án khác (chuyển thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực từ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sang Chủ tịch nước). Điều đó là phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình Tòa án nhân dân; làm rõ hơn vai trò của Quốc hội, Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện quyền Tư pháp, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp; đồng thời, nâng cao vị thế của Thẩm phán theo tinh thần Cải cách Tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra  (theo Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp); góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tính khả thi của nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đã được khẳng định tại Hiến pháp 1992 và tiếp tục được khẳng định lại tại bản dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này (Điều 130 - dự kiến sửa đổi tại Điều 108).

Thanh Tâm


Ý kiến bạn đọc