Multimedia Đọc Báo in

Về Luật Biển Việt Nam năm 2012

09:21, 22/03/2013

Phần này nói về đảo, quần đảo, nội thủy và lãnh hải của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

6. Đảo và quần đảo khác nhau như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Biển Việt Nam thì:

- Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

- Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

7. Có phải mọi đảo và quần đảo đều có đầy đủ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không? Các vùng biển và thềm lục địa của đảo, quần đảo được xác định ra sao?          

Theo quy định tại Điều 20 của Luật thì chỉ đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng mới có đầy đủ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; còn đảo đá không thích hợp cho yêu cầu trên sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Các vùng biển và thềm lục địa này được xác định theo cách xác định nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã nêu trước đây.

8. Nhà nước ta có những quyền gì đối với nội thủy?

Điều 10 của Luật đã xác định Nhà nước ta có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.

9. Đối với lãnh hải, Nhà nước có những quyền gì?

Theo Điều 11, 12 của Luật, ranh giới ngoài của lãnh hải Việt Nam được xác định là biên giới quốc gia trên biển của đất nước. Trong vùng biển này, Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, kể cả mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử.

10. Việc đi lại của tàu thuyền, phương tiện bay nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam được quy định ra sao?

Theo Điều 12 của Luật, trong lãnh hải Việt Nam, tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại nhưng phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền này, chỉ phải thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứ không phải xin phép như một số nước và quy định trước khi có Luật.

Đối với các phương tiện bay nước ngoài, không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

11. Việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam của tàu thuyền nước ngoài được hiểu ra sao?

Vấn đề này được quy định tại Điều 23 của Luật, theo đó, đi qua không gây hại trong lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải Việt Nam nhằm một trong các mục đích:

- Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy, không neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam;

- Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy hay đậu lại hoặc rời khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam.

Việc đi qua này phải liên tục, nhanh chóng (trừ trường hợp gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn) và không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển.

Trần Thiên Định

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.