Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Dak Lak với công tác giữ gìn an toàn giao thông

10:18, 05/05/2012

“Năm ATGT 2012” được tuổi trẻ Dak Lak hưởng ứng và  thể hiện vai trò qua những việc làm cụ thể góp phần tạo nét văn hóa ứng xử của thanh niên khi tham gia giao thông.

Đoàn viên thanh niên Thị Đoàn Buôn Hồ phát tờ rơi tuyên truyền Luật GTĐB đến người dân trên địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Buôn Ma Thuột tuyên truyền
Đoàn viên thanh niên Thị Đoàn Buôn Hồ phát tờ rơi tuyên truyền Luật GTĐB đến người dân trên địa bàn. 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Dak Lak nói riêng,  cả nước nói chung trong tổng số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra hàng năm thì số vụ do đối tượng là thanh thiếu niên gây ra luôn chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 70%). Mặc dù những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT, song hằng ngày trên một số đường phố, tình trạng thanh thiếu niên đi xe phân khối lớn chở 3-4 người, chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, tránh vượt sai quy định… vẫn diễn ra phổ biến. Một bộ phận thanh niên nông thôn, do nhận thức còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật lại rất ít nên ý thức giữ gìn trật tự ATGT cũng chưa cao. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) không được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhiều nơi xử lý chiếu lệ nên thiếu sức răn đe đối với người vi phạm.

Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột).
Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột).

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN) tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành như Giao thông vận tải, Giáo dục - Đào tạo, Công an… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB nhằm nâng cao ý thức giữ gìn trật tự ATGT cho nhân dân nói chung và đối tượng thanh thiếu niên nói riêng. Cụ thể, ngành Giáo dục - Đào tạo đã đưa chương trình ATGT vào giảng dạy rộng rãi trong các trường học. Một số trường tại TP. Buôn Ma Thuột và những huyện có tuyến Quốc lộ đi qua đều tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về ATGT. Ngoài ra, thông qua các hoạt động Đoàn, Đội trong trường đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT giữa học sinh và nhà trường. Song song với việc tổ chức các phong trào, một số địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, nhóm, đội thanh niên tình nguyện tổ chức  nhiều hoạt động như Hội diễn sân khấu không chuyên về đề tài trật tự ATGT, thi vẽ tranh biếm họa, tìm hiểu luật … Các hoạt động đó thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giữ gìn trật tự ATGT. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 170 đội thanh niên tình nguyện ATGT với các hoạt động chủ yếu là tuyên truyền Luật GTĐB cho nhân dân, tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại các chốt đèn tín hiệu giao thông, phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa các điểm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xóa gỡ biển quảng cáo rao vặt trái phép… Qua các hoạt động, cách thức tuyên truyền của tuổi trẻ Dak Lak đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi thanh niên, góp phần quan trọng giúp giảm thiểu TNGT và hình thành nét văn hóa giao thông trong cộng đồng….

Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết thêm: Để lập lại trật tự ATGT và nâng cao ý thức tự chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, trước hết các tổ chức cơ sở Đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB và xem đây là việc làm thường xuyên liên tục; các bậc phụ huynh cần kiểm tra, giám sát các hoạt động của con em mình khi tham gia giao thông; lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là vào giờ cao điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB của người dân, có như vậy mới tự bảo vệ tính mạng cho mình và cho mọi người.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.