Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt

10:02, 09/07/2019

UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán của tôm hùm nước ngọt (tên khoa học là Procambarus clarkia) và tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) ra môi trường tự nhiên, đồng thời có biện pháp, giải pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt các loài tôm này nếu xuất hiện trong môi trường tự nhiên.

Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin về tác hại của tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt đối với môi trường, đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp…

hình minh họa
Tôm càng đỏ. (Ảnh: Internet)

Theo Sở NN-PTNT, tôm càng đỏ có nguồn gốc từ Australia, đã lây lan và thiết lập các quần thể ở Trung Quốc, Indonesia, Singapore và một số nước Nam Mỹ, Châu Phi. Khi trưởng thành, tôm càng đỏ có trọng lượng từ 300 - 400 g/con, con đực 500 - 600 g/con, toàn thân có màu xanh sẫm đến xanh lam, đỏ trên khớp và cơ thể, các mảng màu đỏ bên trên các phần bụng.

Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng đã phân bố tại hơn 20 quốc gia ở 5 châu. Trọng lượng tôm trưởng thành từ 5 - 60 g, với tổng chiều dài trong khoảng 5,5 - 11,5 cm, trọng lượng tôm thương phẩm phổ biến từ 10 - 30 g, kích thước 7,5 - 10,5 cm, toàn thân có màu sắc chủ yếu là màu đỏ đến màu đỏ sẫm.

Các loài động vật này sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao với môi trường mới. Ngoài môi trường tự nhiên chúng sinh sôi nhanh chóng và thiết lập quần đàn, trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Sự xâm nhập của chúng có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong quần xã động vật và thực vật bản địa, đồng thời có thể gây hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.

Tôm càng đỏ thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại, còn tôm hùm nước ngọt thuộc loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Cả 2 loài này nằm ngoài danh mục thủy sản được phép sản xuất tại Việt Nam.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.