Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng phong trào "Đi chợ không dùng túi nilon"

08:58, 03/07/2019

Nhằm hạn chế rác thải nhựa gây tác động xấu đến môi trường, thời gian gần đây, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã hưởng ứng bằng cách mang theo làn nhựa, hộp nhựa để đựng thực phẩm khi đi chợ thay vì sử dụng túi nilon như mọi khi.

Từ sau khi tham gia lễ phát động mô hình “Chị em phụ nữ mua sắm không dùng túi nilon” do Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh phối hợp với Hội LHPN phường tổ chức và được tặng giỏ, hộp nhựa, bà đã không dùng đến túi nilon khi đi chợ mua thực phẩm. Được biết, mỗi ngày đi chợ ngoài việc mang làn nhựa, bà Dương Thị Đức (phường Thống Nhất) thường mang thêm khoảng 3 chiếc hộp nhựa để đựng cá, thịt và trái cây, còn rau củ thì bỏ vào làn mà không phải dùng đến 5 - 10 chiếc túi nilon như lúc trước. Không chỉ thế, bà còn vận động hàng xóm, người thân trong gia đình cùng chung tay hành động, hạn chế dùng túi nilon để bảo vệ môi trường sống.

Phụ nữ phường Thắng Lợi dùng làn nhựa để đựng thực phẩm khi đi chợ.
Phụ nữ phường Thắng Lợi dùng làn nhựa để đựng thực phẩm khi đi chợ.

Theo chị Ngô Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường Thống Nhất, thời gian qua để động viên hội viên tham gia và triển khai mô hình hiệu quả, cán bộ cùng hội viên nòng cốt tích cực tuyên truyền sâu rộng đến phụ nữ và nhân dân về tác hại của túi nilon đối với sức khỏe, môi trường sống. Đặc biệt, Hội đã trao tặng hơn 60 làn nhựa cũng như vận động chị em hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, thay vào đó là nên dùng làn, hộp nhựa khi đi chợ; đồng thời, thực hiện tốt việc phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon.

Tương tự, mới đây Hội LHPN phường Tân An cũng đã phát động chương trình Chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và trao tặng 60 làn nhựa cho hội viên phụ nữ trên địa bàn. Theo chị Nguyễn Thị Thành (phường Tân An), trước đây sau những lần đi chợ, mua hàng hóa, trung bình mỗi ngày, gia đình chị thường thải ra môi trường từ 7 - 10 chiếc túi nilon. Bây giờ sử dụng làn nhựa kèm theo các hộp nhựa đi chợ để dựng thực phẩm thì lượng rác giảm đi nhiều, nhất là túi nilon.

Cũng theo chị, dẫu việc làm này không phải là quá khó, nhưng do đã thành thói quen nên cũng không ít lần “tay không” ra chợ, những lúc như vậy chị cũng đành phải sử dụng túi nilon vì nhà ở xa không tiện quay về. Tuy vậy, chị cũng đã hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng túi nilon bằng cách cho các loại rau củ vào một túi, cá, thịt vào một túi. Sau khi về nhà, chị lại giặt sạch những chiếc túi này phơi đi rồi lại tái sử dụng.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột sử dụng túi môi trường khi đi mua hàng hóa tại siêu thị.
Người dân TP. Buôn Ma Thuột sử dụng túi môi trường khi đi mua hàng hóa tại siêu thị.

Được biết, để việc hạn chế sử dụng túi nilon hoạt động hiệu quả, khá nhiều Hội Phụ nữ các xã, phường trên địa bàn thành phố và ở cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã mua làn nhựa, hộp nhựa, túi thân thiện với môi trường để tặng hội viên; đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, bỏ dần thói quen sử dụng túi nilon, thay vào đó là dùng lá chuối để gói thực phẩm, đi mua sắm mang theo túi môi trường và vận động từng hội viên cam kết việc giữ gìn môi trường từ trong mỗi gia đình. Qua đó, không chỉ góp phần hạn chế chất thải ra môi trường mà trên hết là thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi người để dần tiến tới việc nói không với túi nilon.

Chia sẻ về cách làm này, ông Y Khuôl Êban, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trưởng tỉnh phấn khởi cho rằng, việc chị em phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào “Đi chợ không dùng túi nilon” là tín hiệu tích cực và thể hiện nỗ lực hành động của cộng đồng nhằm giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp an toàn và thân thiện với môi trường”.

Dù cho những ngày đầu mới phát động phong trào khó thay đổi thói quen của chị em phụ nữ nhưng với sự kiên trì, đặc biệt với biện pháp mình tự nhắc mình, hy vọng rằng mô hình sẽ thực sự lan tỏa rộng khắp trong chị em phụ nữ không chỉ ở các xã, phường trên địa bàn thành phố mà sẽ đến từng người dân, hộ gia đình ở các thôn, buôn, tổ dân phố...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.