Multimedia Đọc Báo in

Nhớ tiếng rao xưa

19:29, 25/07/2021

Xa quê, ai cũng có những nỗi nhớ khó gọi thành lời. Trong muôn vàn dư vị của ký ức, có thể nói âm thanh quê kiểng là nỗi nhớ cứ mãi hoài khắc sâu trong tâm khảm của những người xa xứ.

Trong biết bao thanh âm tràn ngập hồn quê như tiếng gà gáy sáng, tiếng nghé ọ trong chuồng, tiếng gàu sòng tát nước lúc đêm khuya, tiếng cá rô đồng quẫy mạnh trên thửa ruộng vừa mới gặt, có lẽ tiếng rao của người bán chắt chắt (chắt chắt cùng một họ với hến nhưng nhỏ hơn và ngọt nước hơn nhiều) mỗi sáng mai là nỗi nhớ cứ gợi mãi, thức mãi trong tôi đến nao lòng mỗi hè về.

Tôi nhớ những ngày hè năm cũ. Buổi sáng thường đến sớm. Mặt trời vừa lên khỏi lũy tre đằng ngà là đã thấy nắng oi ả. May thay. Một tiếng rao “ai... ăn chắt chắt đ...â..y” vang lên trên đường làng đã xua tan cái nóng hừng hực của từng ngọn gió Lào rát bỏng. Đáp lại là những tiếng “mua đây, mua đây” cùng những bước chân của các bà, các chị đi nhanh về trước ngõ nhà tôi để mua chắt chắt. Chị bán chắt chắt nhanh nhảu bỏ đôi quang gánh xuống, vội vàng cầm chiếc nón quạt lấy quạt để khuôn mặt đẫm từng giọt mồ hôi rồi lấy chiếc lon sữa bò đã cũ đong thoăn thoắt từng lon chắt chắt vào những chiếc rổ tre. Ai cũng khen chắt chắt tươi ngon quá, bữa canh trưa nay chắc sẽ ngọt nước lắm. Kẻ mua người bán tấp nập, huyên náo một chút trước ngõ nhà rồi nhanh chóng rời đi. Chốc lát, chỉ còn lại tiếng rao “ai ... chắt chắt đ...â... y” vang lên rồi xa dần trên con đường làng đầy bóng tre và bóng nắng.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Làng tôi gần chợ Thuận, chỉ cần đi chợ là sẽ mua được chắt chắt. Chắt chắt bán ở chợ, tươi sống cũng có, chắt chắt nấu chín cũng có. Vậy mà lúc nào muốn ăn chắt chắt mẹ tôi đều dặn hãy chờ người bán chắt chắt đi ngang qua nhà rồi hẵng mua. Bởi chắt chắt đi bán dạo là của làng An Dạ, một ngôi làng nằm bên nhánh sông Thạch Hãn, được phù sa quanh năm bồi đắp ở ngã ba sông nên chắt chắt ở đây rất ngọt. Thuở nhỏ, tôi nhiều lần đi ngang qua nơi này bằng đò dọc và đã từng chứng kiến cảnh các bà, các chị dầm mình trong nước sông cào chắt chắt vào những sáng sớm mùa hè đầy nắng.

Xa quê đã lâu, lúc nào nhớ quê, thèm ăn canh chắt chắt, tôi lại ra chợ gần nhà mua hến về nấu canh với mít xanh, bầu non, cũng có khi là ngọn rau muống. Húp bát canh, vẫn đậm mùi, có điều không thể nào ngọt như tô canh chắt chắt ở quê mình.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi khi hè đến, mẹ vẫn thường nấu canh chắt chắt, bởi thứ canh dân dã này làm giảm bớt cái nắng nóng như thiêu, như đốt đặc trưng của vùng đất Quảng Trị. Tô canh mẹ nấu có lúc chẳng cần thêm rau, múc ra chỉ có nước, mặt chắt chắt, vậy mà nếm thử, cái ngọt đằm vẫn còn mãi dư vị đến tận bây giờ. Có lẽ bởi tại vị ngọt tự nhiên của loài chắt chắt vùng An Dạ, cộng với mùi cay cay, nồng nồng của củ gừng được giã nhuyễn với muối sống và ớt trái ăn kèm.

Bây giờ, mỗi hè về thăm quê, ở lại nhà người cậu họ, cậu mợ hỏi tôi muốn ăn món gì, tôi đều nói, con muốn ăn canh chắt chắt. Bưng chén cơm chan canh, mùi vị món ăn xưa cùng một thời thơ dại ùa về làm những giọt nước mắt không kìm nén được cứ trào ra. Bất giác, tôi nhớ tiếng rao “ai ... chắt chắt đ...â...y” vang lên trên đường làng mỗi sáng. Tiếng rao mộc mạc, dân dã rất đỗi tự nhiên, bình dị một thuở nào giờ lại trở thành nỗi nhớ không thể nào quên. Bởi trong tiếng rao xưa đến giờ vẫn như còn đọng lại giọng Quảng Trị của người mua kẻ bán chắt chắt trước ngõ nhà; bữa cơm trưa có tô canh đậm vị chắt chắt của mấy mẹ con trong ngôi nhà tranh bé nhỏ, và hình bóng của các bà, các chị cào chắt chắt trong những buổi sáng biết mấy thanh bình nơi làng quê ven sông...

Mai Lan Anh