Multimedia Đọc Báo in

Muôn nẻo đường... nhậu - Kỳ 2: “Thượng đế” của các quán nhậu

10:17, 26/07/2011
Vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, nhậu bàn công việc cũng có, nhậu đơn thuần chỉ để nhậu cũng không phải không có. Nhậu đã trở thành thói quen, thành một thứ… “văn hóa” và đối tượng xuất hiện ở quán nhậu cũng đa dạng, đủ các độ tuổi từ nam giới đến nữ giới, từ người lao động chân tay, làm việc trí óc đến những người gần như chẳng cần phải làm gì…

Nhậu để “giải mỏi”
 
Mới 3, 4 giờ chiều nhưng nhiều quán nhậu tọa lạc trên những vỉa hè đã nườm nượp đua tranh mật độ với dòng người đông đúc đang hối hả trên đường phố. Trong cái không gian đặc quánh mùi bia rượu, thức ăn, thuốc lá và nhiều thứ mùi khác là đủ các thành phần và những tiếng “zô, zô” vang lên ầm ỹ. Với người lao động chân tay thì họ có một lý do rất chính đáng để nhậu là “giải mỏi” sau một ngày làm việc vất vả. Những anh công nhân, những bác thợ nề… , cùng đến quán nhậu với họ là lỉnh kỉnh dụng cụ làm việc sau yên xe. Chỉ với một nồi lẩu hay một đĩa mồi là đủ cho một bữa vui vẻ. Và trong cái bầu không khí ồn ào, uống ngụm bia, nhấp ly rượu, mọi câu chuyện được bắt đầu. Bàn này mấy ông trung niên miệng nhồm nhoàm, tay nâng ly rượu rồi chửi đổng “ra ngõ gặp đàn bà” khiến hôm nay họ hàng ế ẩm chẳng bán được cây nào (ra là dân buôn cây cảnh dạo), bàn bên kia mấy anh ngồi bóc lạc tanh tách, than phiền nắng hạn, tình hình nước tưới cà phê xem chừng căng lắm (ra dân làm cà phê)…. Rồi họ tự giải sầu, tự động viên, an ủi nhau bằng những cái cụng ly chan chát và uống ừng ực, rồi khà một cái hỉ hả như để hơi men ngấm vào từng thớ thịt mà theo họ là để thư giãn.
Nhậu “xuyên màn đêm” (Ảnh chụp lúc 23h tại một quán nhậu trên đường Mai Hắc Đế)
Nhậu “xuyên màn đêm” (Ảnh chụp lúc 23h tại một quán nhậu trên đường Mai Hắc Đế)
Cứ thế, đủ lý do để tiếp tục khởi động cho những cái cụng ly chan chát. Nhiều khi lạ thành quen, “tư tưởng lớn” gặp nhau, chạm cốc thế là thành bạn.
 
“Giờ vàng” của công chức
 
Góp phần làm cho danh sách thượng khách của các quán nhậu dài thêm không thể không kể đến một thành phần vô cùng quen thuộc -  giới công chức nhà nước. “Làm vài ve” sau giờ làm việc dường như đã thành thói quen đối với họ. Chỉ cần vài người hợp “gu” với nhau thì dù có cùng cơ quan hay không đều “nhớ” đến nhau sau giờ hành chính. Gặp gỡ, lai rai khi hết giờ làm việc thì cũng có thể chấp nhận nhưng nỗi “nhớ” ấy kéo dài cả buổi, cả ngày, dẫn đến đúng nghĩa là lai rai ngay cả trong giờ làm việc. Có việc gì đó đi đâu giữa buổi, tặc lưỡi giờ này về cơ quan lỡ cỡ cũng chẳng làm được gì nhiều, làm vài ly lấy khí thế chiều làm việc. Thế là lại nhậu, nhậu xuyên trưa sang chiều. Với mật độ nhậu dày đặc như vậy thì các cuộc nhậu của giới công chức cũng đủ chuyện để nói. Từ những câu chuyện đời thường đến chuyện công sở đều trở thành “gia vị” trên bàn nhậu. Trong âm thanh của những tiếng khui bia lóc bóc, tiếng cười rôm rả, tiếng đồng thanh “một, hai, ba… zô” là những lời than nghèo kể khổ: “Kỳ này lương thưởng chẳng được bao, mẹ sề ở nhà lại cằn nhằn không đủ tiền mua sữa cho con”, “vợ con gì đi một tý là gọi eo éo”… Những chiếc alô di động cũng “đồng phạm” với dân nhậu công chức: “Nói khách hàng chờ anh chút đi! Đang trên đường về”, “Đưa H. giải quyết giùm đi, tao đang đi huyện”, “Hẹn nó bữa khác đi, xe anh đang hỏng, ngồi đợi sửa đây”…
 
Quán nhậu không còn là đặc quyền của nam giới
 
Một điểm đáng chú ý hiện nay trong thế giới của nhậu, quán nhậu không còn là chốn đặc quyền của nam giới. Nữ giới đến quán nhậu đủ mọi thành phần, không phân biệt trí thức hay người lao động chân tay. Cánh nam giới thường bình phẩm rằng: chị em không uống thì thôi chứ đã uống thì “sầu” luôn. Nhiều chị em cũng tỏ ra sành điệu không kém, từ nghệ thuật rót bia không bọt, không trào, nhấp một ngụm là biết rượu pha cồn hay không. Còn ngôn ngữ nhậu thì khỏi nói: Uống chi mà để long đèn nhiều rứa!, Nào một hai ba zô, cùng lên Bắc Kạn!…
3.JPG
Nữ giới góp mặt làm cho cuộc nhậu thêm “rôm rả”.
Tất nhiên xã hội công bằng không ngăn cản, phân biệt những thú giải trí giữa nam giới và nữ giới. Chỉ có điều nhiều chị em khi quá chén, cùng với những gương mặt đỏ kè, đôi mắt lờ đờ, dáng đi ngật ngưỡng là đủ sắc thái thể hiện tình cảm: khóc, cười, gào thét, thậm chí không còn làm chủ được mình bằng những hành động thân mật thái quá với người khác giới... Chứng kiến những hình ảnh ấy, có người chợt nao lòng, băn khoăn, thương cảm cho phụ nữ thời hiện đại có vẻ phải vất vả, đương đầu với quá nhiều khó khăn, thử thách không chỉ với những gì thuộc thiên chức của họ mà cả trên “sàn đấu” vốn từ trước đến nay phần nhiều dành cho nam giới.
 
Dân nhậu ngồi trên ghế nhà trường
 
Đáng lo ngại nhất hiện nay là một lượng không nhỏ học sinh, sinh viên trở thành tín đồ của rượu bia. Thời gian gần đây, hàng quán mà đặc biệt là quán nhậu mọc lên như nấm quanh các trường học. Tại Trường Đại học Tây Nguyên, quán nhậu như “bao vây” lấy khuôn viên trường. Và sinh viên thì nhậu bất kể giờ giấc. Ăn sáng – nhậu, trưa về phòng ăn cơm – nhậu và chiều thì khỏi nói, quán nhậu đông đen những nam thanh nữ tú mặt đỏ gay đỏ gắt và cũng rôm rả chẳng khác nào những quán nhậu ở trung tâm thành phố. Họ uống vì bất kỳ lý do gì và việc tổ chức một bữa nhậu thật đơn giản. Đôi khi chỉ cần một đĩa xoài, cóc… mà họ thường gọi là “hoa quả sơn” và lít rượu đế, thế là có bữa nhậu. Sang hơn một tý – thường là sau mỗi lần nhận tiền chu cấp của gia đình thì kéo nhau ra các quán lẩu bò, quán thịt cầy… thế là lại “lên tiên”. Không ít sinh viên coi việc uống rượu là để… thể hiện “đẳng cấp”. Biện hộ cho tần suất nhậu 5 lần/tuần của mình, N.M.C, sinh viên năm hai Khoa Nông - Lâm cho rằng, đi nhậu là để xả stress sau những giờ phút căng thẳng trên giảng đường, lấy hứng thú để hôm sau còn học tiếp.
 
Có tiền nhậu đã đành, không có tiền cũng không thể không nhậu được. Chuyện V.T.T. - một sinh viên Khoa Sư phạm ngữ văn nhờ cha mẹ lên trả nợ cho quán tạp hóa đã trở thành “truyền kỳ” tại khu vực Đại học Tây Nguyên. Chuyện là: đối diện phòng trọ của T. có một quán tạp hóa nên việc mua thiếu tại đây rất dễ với cậu. Sau một tháng không có tiền trả, chủ quán đòi như… đòi nợ. Bí thế, T. đành nói thật với gia đình, thế là bà mẹ lại phải lóc cóc đi xe buýt từ huyện lên trả nợ cho cậu. Điều đáng nói là trong sổ nợ của chủ quán chủ yếu ghi là rượu – trứng với số tiền hơn 1 triệu đồng thì cậu đã nhờ chủ quán đổi lại là gạo – trứng, chắc là để cho bà mẹ thấy tội nghiệp, đỡ đau lòng.
 
Chứng kiến cảnh nhậu nhẹt của sinh viên, nhiều người không khỏi buồn lòng vì sự bê tha, bệ rạc. Cứ rượu vào lời ra, không ai chịu ai là xô xát xảy ra như chơi. Một bác bảo vệ tại ký túc xá Đại học Tây Nguyên ngán ngẩm kể, tối nào cũng phải đi những phòng có sinh viên uống rượu để nhắc nhở vì cứ đi nhậu về là nhiều sinh viên lại la hét, nô đùa đuổi nhau gây náo loạn khắp hành lang. Có nhiều trường hợp đã cầm dao, gậy đuổi đánh nhau mà chung quy cũng từ rượu mà ra.
Nhóm PV
Đón đọc Kỳ 3: 1.001 hệ lụy từ... nhậu

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.