Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

10:58, 07/06/2010

 

Huyện Cư M’gar có 70 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (gồm: Êđê, Tày, Nùng, Dao…), sinh sống ở 13 xã, thị trấn với  hơn 59.000 khẩu, chiếm 46% số dân toàn huyện. Đồng bào DTTS nơi đây dù cư trú lâu đời tại chỗ hay từ nơi khác đến cũng đều lưu giữ khá nhiều vốn văn hóa dân gian như: sử thi, kể khan, các lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, dệt thổ cẩm…
Biểu diễn cồng chiêng
Biểu diễn cồng chiêng
Chính sự du nhập ấy đã làm cho đời sống văn hóa cộng đồng trên địa bàn càng thêm đa dạng, phong phú. Để góp phần  bảo tồn vốn văn hóa đặc sắc ấy, UBND huyện đã chỉ đạo các ban phòng chức năng duy trì và đẩy mạnh việc tổ chức các hội thi, liên hoan; mở các lớp đào tạo và lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục, các món ăn, tục lệ cưới xin… Ở một số xã trong huyện, đặc biệt là xã Cư M’gar, trong những ngày đầu năm luôn rộn ràng tiếng đàn tính, điệu hát then của người Tày, Nùng vang lên với nhiều thanh âm trong trẻo. Dẫu cho đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng các sinh hoạt đó từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Trong không khí tưng bừng của ngày hội cùng với tiết trời xuân ấm áp, người dân từ các thôn, buôn xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, háo hức hòa mình vào không khí tưng bừng của Lễ hội Lồng tồng, cùng các trò chơi dân gian đánh cù, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo; thi văn hóa ẩm thực: làm bánh chưng, bánh sừng bò, thổi xôi ngũ sắc… Tất cả dường như mang một không gian lễ hội từ “xứ Lạng” về với vùng cao nguyên, thu hút hàng nghìn người xem, bước đầu như “đánh thức” lại nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.
Đặc biệt, 2 năm một lần, huyện đều tổ chức “Ngày hội các làng văn hóa toàn huyện”, đây là một trong những hoạt động chủ đạo để đưa đồng bào trở về với nếp sống, sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, cũng là dịp để 26 dân tộc anh em trên địa bàn giới thiệu, tôn vinh vốn văn hóa đặc sắc và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Ngày hội còn được tổ chức theo hình thức “Làng vui chơi – làng ca hát” với các môn thi thú vị như: trình diễn trang phục dân tộc, dệt thổ cẩm, diễn tấu cồng chiêng, thi nấu rượu cần, rượu cẩm ngon, chế tác nhân tượng, biểu diễn văn nghệ, cắm hoa.  Thông qua hội thi, các phong tục truyền thống, văn hóa vùng miền… được truyền tải đến người dân hết sức sinh động, qua đó, tính dân tộc là tiêu chí hàng đầu để đánh giá, tranh tài cao thấp. Bên cạnh đó, nhiều xã, thôn, đã duy trì được câu lạc bộ (CLB), trong đó, phải kể đến CLB đàn tính hát then Quê Hương tại thôn 3 (xã Cư M’gar), đây là nơi gặp gỡ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề cho con cháu. Qua các buổi học đàn tính của già, trẻ, gái, trai… nhiều người đã sưu tầm, truyền dạy cho con cháu những làn điệu then cổ quí báu cũng như góp phần tích cực vào việc dấy lên phong trào học hát then, đàn tính ở các xã lân cận.
Dệt thổ cẩm tại "Ngày hội các làng văn hóa năm 2010"
Dệt thổ cẩm tại "Ngày hội các làng văn hóa năm 2010"

Qua nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đến nay, Cư M’gar đã xây dựng được 5 xã có nhà dệt thổ cẩm, 100% xã, thị trấn có đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền. Hầu hết các thôn, buôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, tủ sách văn hóa; 25 buôn có đội chiêng trẻ. Toàn huyện có 261 bộ chiêng (chủ yếu là chiêng của đồng bào Êđê), trong đó, có gần 100 bộ chiêng quý trên 100 tuổi. Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho biết, thông qua việc tổ chức các Lễ hội, liên hoan, hội thao, hội diễn đã khơi dậy phong trào toàn dân cùng tham gia vào việc bảo vệ và phát triển văn hóa, tạo nên môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nhiều lễ hội truyền thống, điệu hát dân tộc,  trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống đẹp... được phục hồi và phát triển.
Có thể nói, duy trì các giá trị văn hóa qua việc tổ chức lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ… ở huyện Cư M’gar đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, khuyến khích người dân biết trân trọng, tự hào và giữ gìn những nét đẹp văn hoá vốn có lâu đời của mình, đồng thời góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.