Multimedia Đọc Báo in

Máy bay mô hình – Khơi nguồn đam mê chế tạo của giới trẻ

09:35, 30/05/2014

Từ lâu nay, khi nhắc đến thú chơi máy bay mô hình, nhiều người cứ nghĩ sẽ rất tốn kém. Thế nhưng với niềm đam mê về công nghệ, chỉ bằng những vật liệu đơn giản, dễ kiếm, nhiều bạn trẻ đã tự mày mò chế tạo được máy bay mô hình.

Một phi đội chuẩn bị xuất phát.
Một phi đội chuẩn bị xuất phát.

Trong khoảng không gian chừng 20m2, trên dưới bàn học nào là những mảnh xốp, động cơ điện…, em Phạm Hữu Tân, lớp 11A12, Trường THPT Hồng Đức đang mày mò chế tạo chiếc máy bay điều khiển từ xa của riêng mình. Ngay từ hồi nhỏ, Tân cũng đã tự làm một kiểu máy bay bằng xốp và dây thun. Rồi trong một lần lên mạng, tìm kiếm thông tin, tình cờ Tân vào một trang web câu lạc bộ mô hình. Từ đó, Tân tìm hiểu, làm quen và đam mê với thú chơi này. Tân tâm sự: “Không như mọi người nghĩ rằng chơi mô hình phải có thật nhiều tiền, chỉ từ những vật liệu rất đơn giản là xốp, lên mạng tải về bản vẽ kỹ thuật và trang bị một bộ động cơ điện dành cho đồ chơi mô hình (RC) là đã có thể tự mình chế tạo một máy bay mô hình theo ý thích rồi”. Tuy nhiên, việc chế tạo một mẫu máy bay mô hình đòi hỏi người chơi phải thật cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết, đặc biệt là phải học thêm rất nhiều về kiến thức vật lý, toán học. Theo anh Phạm Công Minh, một người chơi RC lâu năm tại TP. Buôn Ma Thuột thì thường những người mới tập chơi chỉ nên thực hiện những mô hình đơn giản, sao cho máy bay phải cất cánh được, đừng cố thiết kế, chế tạo những mẫu phức tạp. Vì khi đã cất cánh, nếu thiết kế và làm không chính xác thì sẽ bị “đập” (bị tai nạn). Do đó, lúc đầu chỉ cần người chơi đầu tư một bộ thiết bị điện tử thật tốt để có thể tái sử dụng nhiều lần; 1 cây viết chì, 1 cây thước, 1 bộ dao cắt các chi tiết, khung sườn và keo để dán chúng lại thành một khối tổng thể; đặc biệt là các mối nối để máy bay có thể hoạt động trơn tru. Tiếp theo là những thanh tre để cố định, làm cho máy bay trở nên chắc chắn hơn. Và vấn đề quan trọng nhất là người chơi phải tính toán trọng lực của máy bay. Nếu thiết kế, chế tạo để lệch trọng tâm thì máy bay nếu không lao xuống đất, cũng nhỏng lên trời, không thể bay xa và cao được. Do đó, khi thiết kế, lặp đặt, người chơi phải biết được vị trí đặt cục pin, khối reciver, các servo lái cánh trên thân có chính xác, thích hợp, có cân bằng cho máy bay khi nó đã rời mặt đất chưa...”.

Được ngắm nhìn những chiếc máy bay do mình chế tạo bay lượn giữa bầu trời  là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ.
Được ngắm nhìn những chiếc máy bay do mình chế tạo bay lượn giữa bầu trời là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ.

Sau khi chế tạo xong, niềm vui lớn nhất của những người chơi máy bay mô hình chính là được mang sản phẩm của mình “đi” bay. Không gian để trải nghiệm là những bãi đất trống, rộng, thoáng đãng ngoại ô thành phố. Anh Nguyễn Hải, một người đam mê chơi RC cho biết: “Những người đam mê chơi RC tại TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Dak Lak này khoảng hơn 20 người. Vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ, mọi người lại tập hợp nhau, cùng chơi và thỏa mãn niềm đam mê của mình”. Mỗi lần cho máy bay RC cất cánh là mọi người lại tất bật với biết bao công đoạn như kiểm tra các các bộ phận cánh lên, xuống, trái, phải, kiểm tra thời lượng bay của động cơ… Có hai cách để máy bay cất cánh. Một là chạy đà khi đủ lực, máy bay sẽ cất cánh. Hai là, khởi động cánh quạt cho thật mạnh và tạo đà để máy bay lao vút lên. Bạn Hữu Tân hào hứng: “Niềm vui lớn nhất của em chính là cảm giác được thấy những chiếc máy bay do mình chế tạo bay lượn giữa không trung, khiến em có cảm giác mình là một phi công thực thụ”. Khi đã bay thì người chơi lại có nhiều cách thể hiện. Khó nhất là kiểu bay 3D - bay đứng im giữa bầu trời, hoặc bay sát mặt đất và bay vút lên góc nghiêng 90 độ... Nhưng cũng có lúc điều khiển sai, hoặc gặp nhiều cơn gió mạnh, chiếc máy bay cứ lao xuống đất một cách không phanh và thường thì máy bay bị hỏng. Tuy nhiên do chủ yếu làm bằng xốp nên người chơi có thể tận dụng, sửa chữa và tiếp tục chế tạo.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc