Multimedia Đọc Báo in

Đạo luật 11-9 "phủ bóng đen" quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia

13:13, 02/10/2016
Saudi Arabia ngày 30-9 cảnh báo "hậu quả thảm khốc" sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống đối với luật Công lý Chống bảo trợ khủng bố (JASTA), văn bản cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001 khởi kiện các chính phủ nước ngoài lên tòa án Mỹ và đòi bồi thường.
 
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi Quốc hội Mỹ áp dụng "những biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hậu quả thảm khốc và nguy hiểm" của đạo luật này. Người phát ngôn trên cho biết luật này "làm giảm quyền miễn trừ của các quốc gia" và sẽ tác động tiêu cực lên tất cả các nước "bao gồm cả Mỹ", đồng thời bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp Mỹ sẽ cân nhắc kỹ hơn.
 
Cảnh báo hàm chứa lời lẽ đe dọa của Saudi Arabia đưa ra một ngày sau khi lần đầu tiên trong suốt hai nhiệm kỳ, Tổng thống Obama bị Quốc hội Mỹ bác bỏ phủ quyết mà ông đưa ra một tuần trước đó liên quan tới Dự luật 11-9. 
 
Một thân nhân không kìm được nước mắt khi chạm tay vào tên người thân của mình tại Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ 11-9. Ảnh: AP
Một thân nhân không kìm được nước mắt khi chạm tay vào tên người thân của mình tại Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ 11-9. (Ảnh: AP)
 
Trước đó, trong phản ứng của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia và gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ khi nó mở đường cho các vụ kiện pháp lý tư nhân chống lại các phái bộ quân sự Mỹ ở nước ngoài.
 
Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phê Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia. 
 
Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11-9-2001, nhưng JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ” khi các công dân Mỹ phải đối mặt các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng chỉ trích một số nghị sỹ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này. 
 
Sự xói mòn quy tắc miễn trừ quốc gia cũng là mối lo ngại của sáu quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó Saudi Arabia là thành viên quyền lực nhất. Các thành viên còn lại đã đứng về phía Saudi Arabia chỉ trích đạo luật của Mỹ.
 
Đây bị xem là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Obama và Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab. Nhiều khả năng quan hệ thân cận này sẽ trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự. Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu.
 
Giới phân tích cảnh báo Riyadh sẽ có thể giảm hợp tác an ninh và và tình báo rất có giá trị với Washington sau động thái trên của Quốc hội Mỹ. Quan hệ đối tác nhiều thập kỷ với đồng minh lâu năm Saudi Arabia đã từng cung cấp cho chính quyền Mỹ những thông tin tình báo quý giá, giúp ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công.
 
Sau khi Dự luật 11-9 được phê chuẩn, thị trường ngoại hối tại vùng Vịnh đã có phản ứng tiêu cực. Trợ lý giám đốc Công ty giao dịch tiền tệ al-Sayari ở Riyadh cho biết: “Sau khi Quốc hội Mỹ ban hành quyết định của mình, đồng USD đã tăng giá bất thường. Chính vì thế, mọi người không muốn mua đồng USD nữa. Bởi họ lo ngại rằng sẽ có một cuộc chiến trả đũa về thương mại giữa Saudi Arabia và Mỹ. Chúng tôi lo ngại rằng nếu đồng USD tiếp tục tăng giá sẽ dẫn tới tình trạng mất ổn định nghiêm trọng ít nhất tại khu vực. Đây sẽ là một tổn hại lớn cho thị trường ngoại hối toàn cầu”. 
 
Quốc hội Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật JASTA. (Nguồn: AP)
Quốc hội Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật JASTA. (Nguồn: AP)
 
Trong một diễn biến gây bất ngờ, hôm 29-9 rất nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả mà nước Mỹ phải đối mặt  khi Đạo luật 11-9 có hiệu lực.
 
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan thậm chí phải thừa nhận cần phải có sự thay đổi nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ tại nước ngoài, cũng như tránh những rắc rối ngoại giao phát sinh.
 
Người phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama sẵn sàng đàm phán lại với các nghị sĩ Quốc hội để giảm thiểu những hậu quả mà đạo luật JASTA gây ra: “Tôi chưa rõ là vấn đề này sẽ đi tới đâu. Song tôi biết rằng, có nhiều thành viên trong Quốc hội đang quan tâm đến việc làm thế nào để làm sạch đống hỗn độn mà họ tạo ra. Ngay từ đầu, Tổng thống Obama đã có cảnh báo về điều này. Tuy nhiên, nếu có nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn có cùng  quan điểm với Tổng thống thì Chính phủ sẵn sàng chào đón họ và có cuộc thảo luận, dù đã là quá muộn”.
 
Dương Như (Theo VOV, TTXVN)
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.