Multimedia Đọc Báo in

Vì sao học sinh chán môn Văn?

08:48, 01/06/2012

Cứ đến cuối năm học trên các phương tiện truyền thông lại rôm rả bàn chuyện chất lượng giáo dục. Năm nay trên một số trang báo nhắc đến vấn đề vì sao học sinh chán học môn Văn?

Người cho tại chương trình sách giáo khoa, kẻ bảo do cách ra đề đánh giá học sinh… Có một thực tế ít người thẳng thắn nhìn nhận là dù học sinh chán môn Văn, chất lượng môn Văn thấp nhưng điểm Văn trong trường học vẫn cao ngất ngưởng (?). Không do người lớn thì do đâu?

Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy và chấm bài của học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế họ phải chấm theo quan điểm của cấp trên vì sẽ có thanh tra của trường, của Phòng hoặc Sở GD. Hầu hết đều có chỉ thị “mồm” “Chấm có lợi cho học sinh” trong khi thật ra nó chỉ có lợi cho thành tích của đơn vị khi báo cáo với cấp trên thôi. Dần dần hình thành cách đếm ý cho điểm, thậm chí chỉ cần học sinh ghi đúng vài chữ trong đáp án là có điểm. Đây có lẽ là nguyên nhân hình thành tư tưởng coi thường môn Văn ở học sinh. Giáo viên cũng dạy theo cách này để học sinh thi đỗ nhiều nên môn Văn chết dần cảm xúc. Hỏi sao người học không chán môn Văn?

Nhớ năm còn tổ chức thi tốt nghiệp THCS, tôi được điều đi chấm thi. Đề thi năm đó có câu yêu cầu học sinh bình luận ý kiến: “Làm đứa con tốt, bạn đã là một công dân tốt”. Có một bài làm của học sinh cho rằng câu trên không hoàn toàn đúng và em có dẫn câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Bài viết này đã được tôi mạnh dạn cho điểm cao vì cách trình bày khá thuyết phục. Khi thanh tra gọi tôi lên bảo tôi chấm sai vì đáp án cho rằng ý kiến đó hoàn toàn đúng và luôn luôn đúng, tôi đã kiên trì bảo vệ ý kiến của mình và được chấp nhận. Đó là chuyện của… ngày xưa, thanh tra sẵn sàng công nhận ý kiến của học sinh nếu nó thuyết phục, người chấm có thể khuyến khích học sinh sáng tạo. Còn bây giờ, chấm văn là so sánh câu chữ của học sinh với đáp án và cho điểm, nếu không thanh tra cho rằng chấm không đúng. Sự máy móc này đã góp phần làm giảm đi sự hấp dẫn, tính sáng tạo của môn học mang đầy tính nhân văn này.

Một khi việc chấm bài của học sinh và thanh tra một cách máy móc thì việc dạy và học đương nhiên cũng sẽ như vậy để gọi là… thích nghi. Một dạo chúng ta kêu gọi đổi mới phương pháp dạy học, cụ thể là phát huy vai trò chủ động sáng tạo của học sinh bằng cách tổ chức hoạt động nhóm. Có một cô giáo thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện khi dạy bài “Tập làm thơ năm chữ” đã cho học sinh thảo luận nhóm rồi trình bày bài thơ của nhóm mình. Người dự giờ khen đổi mới phương pháp triệt để, người dạy cười mãn nguyện. Riêng tôi khó giấu nụ cười buồn vì làm thơ, viết văn mang tính sáng tạo và cảm xúc cá nhân sao hoạt động nhóm được. Không thể phủ nhận mặt tích cực của phương pháp này nhưng không phải bài nào cũng áp dụng được. Có thể cho học sinh thảo luận nhận xét một bài văn, bài thơ. Còn làm thơ mà cũng thảo luận sao nghe giống câu chuyện “ba chàng ngốc làm thơ con cóc” hơn là dạy và học làm thơ. Nhưng ngày ấy phải làm vì đó là “đổi mới phương pháp giảng dạy”!.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện giảng dạy và đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Đây là con đường thênh thang cho… bệnh thành tích phát triển. Chủ trương chung là ra đề theo chuẩn có mở rộng, nâng cao để phân hóa và phát huy tính sáng tạo của học sinh. Thế nhưng, phần lớn giáo viên đều ra đề bám sát chuẩn, đơn giản vì chuẩn kiến thức là phần cơ bản học sinh phải nắm được. Ra đề như vậy điểm sẽ rất cao. Đẹp lòng đôi nơi. Và tất nhiên cũng chỉ dạy chừng đó thôi. Môn Văn không còn hấp dẫn vì sự máy móc của người lớn, gần nhất là thanh tra chuyên môn và giáo viên.

Theo cách tính điểm trung bình học kỳ hai của năm học này thì môn Văn đã bị “hạ bệ”. Cùng với môn Toán, môn Văn không còn nhân hệ số hai khi tính điểm trung bình chung. Có vẻ như hai môn học này không còn được coi là có vai trò chủ đạo, là nền tảng của những môn học khác. Không chỉ học sinh mà hình như người lớn cũng chán môn Văn thì phải?

Cách dạy Văn và đánh giá máy móc, không khuyến khích sáng tạo, đề cao cảm xúc đã làm học sinh thờ ơ với môn Văn. Cách tính điểm làm cho môn Văn không còn quan trọng trong suy nghĩ của học sinh. Vì thế, môn Văn đang bị người học quay lưng cũng là dễ hiểu. Xin hãy trả môn Văn về đúng vị trí của nó và đặt nó vào tay những người làm công tác thanh tra chuyên môn, giáo viên có tâm huyết và chuyên môn vững vàng.

Lê Quang Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.