Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Đề thi sát chương trình và kiểm tra kiến thức cơ bản

08:03, 05/06/2012

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã kết thúc với sự “thở phào nhẹ nhõm” của thí sinh (TS), phụ huynh và giáo viên vì đề thi sát chương trình và kiểm tra kiến thức cơ bản. Đặc biệt, đề thi một số môn xã hội có nội dung “sát sườn” với cuộc sống, đòi hỏi TS phải  vận dụng hiểu biết thực tế để làm bài.

Học sinh hào hứng với dạng đề “mở”

Sau khi thi xong 6 môn: Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, Toán, Ngoại ngữ (hoặc Vật lý), hầu hết TS đều nhận định đề thi năm nay không quá khó, nếu ôn tập sát chương trình sẽ làm bài tốt. Do đó, tại nhiều Hội đồng thi (HĐT) TS đã hoàn thành bài thi khi thời gian làm bài vẫn còn 30 phút. Tại HĐT Buôn Ma Thuột 1 (Trường THPT Hồng Đức), nhiều TS tự tin cho biết đã làm hết bài thi, có thể điểm không cao nhưng đạt điểm trung bình, khá là không khó. TS Hà Thị Kiều Oanh hồ hởi: “Sau khi đọc kỹ đề bài môn Ngữ văn em cắm cúi viết một mạch. Trong số các câu hỏi của đề thi có câu 3 (phần đề chung cho tất cả TS) rất hay, mang ý nghĩa thực tế và gần gũi với cuộc sống đời thường khi yêu cầu TS viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến “Thói dối trá là biểu biện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Câu này chỉ 3 điểm, nhưng vì thích dạng đề văn “mở”, phát huy được tính sáng tạo của học sinh nên em đã dành 45 phút để làm”. Một số TS tại HĐT Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cũng đồng ý câu văn nghị luận xã hội (câu 3) là dễ làm nhất,  nội dung câu hỏi gần gũi với cuộc sống hằng ngày nên TS dễ dàng tìm dẫn chứng minh họa; mặt khác dạng đề văn này các em đã được ôn tập kỹ.

Người dân tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm rơm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana.
Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt thí sinh sau khi hoàn thành bài thi môn Toán

Trước ngày thi cả TS và phụ huynh đều tỏ ra lo ngại đối với hai môn Địa lý và Lịch sử vì cho rằng đây là những môn học bài có lượng kiến thức khá lớn mà đa phần TS không mặn mà bằng các môn tự nhiên nhưng kết thúc ngày thi thứ 2 đã “thở phào nhẹ nhõm” vì đề thi vừa sức. Với môn Địa lý, nhiều TS cho biết đề thi không hoàn toàn đòi hỏi thuộc lòng theo sách giáo khoa nhưng yêu cầu phải biết vận dụng sự hiểu biết khi làm bài. TS Trần Quang Hiếu, lớp 12A2, Trường THPT Buôn Ma Thuột nhận xét: “Tổng quan đề thi môn Địa lý năm nay được các thầy cô ôn luyện kỹ, nhất là những câu được sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam và yêu cầu vẽ biểu đồ hình cột dựa vào bảng số liệu đã cho. Tuy nhiên, câu 1 - phần chung cho tất cả TS hơi khó vì hỏi dồn 2 vấn đề gồm cả tự nhiên và kinh tế - xã hội. Với đề thi này học sinh thi khối A, B làm bài tốt”. Còn TS Võ Điền Anh Thy, HĐT Chu Văn An 1 rất hào hứng với dạng đề “mở” của môn Địa lý: “Đề thi đề cập đến vấn đề “thời sự” của  đất nước nên em làm bài có cảm xúc hơn”.

Khi địa phương phát huy quyền tự chủ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT phân cấp triệt để quyền tự chủ cho các địa phương, bỏ chấm chéo, bỏ thanh tra ủy quyền, do đó, Sở GD-ĐT đã chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, phản ảnh đúng chất lượng dạy-học. Cụ thể   Sở đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 của Bộ GD-ĐT đến tất cả các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về tổ chức kỳ thi nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể; mở các hội nghị tập huấn, triển khai công tác tổ chức thi; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, ngành chỉ đạo sâu sát các cơ sở giáo dục thực hiện tốt và hoàn thành các chương trình của năm học, đồng thời tổ chức ôn tập cho học sinh, chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện cho kỳ thi. Nhờ đó kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã thành công trên nhiều mặt.

Với một kỳ thi gồm nhiều môn thi thuộc khối khoa học xã hội không chỉ gây áp lực lớn đối với TS mà còn cho ngành Giáo dục trong công tác coi thi, song nhờ sự chuẩn bị tốt các khâu, nên tình trạng TS vi phạm Quy chế thi đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Cao Nguyên, Chủ tịch HĐT Buôn Ma Thuột 1 cho biết: “Điểm mới đáng chú ý của kỳ thi năm nay là quy định ràng buộc trách nhiệm của giám thị coi thi với những sai phạm của TS. Cụ thể, nếu giám thị thiếu trách nhiệm khi coi thi, để TS quay cóp, mang và sử dụng tài liệu, vật dụng trái phép trong phòng thi thì sẽ bị đình chỉ coi thi ngay sau khi bị phát hiện và chịu xử lý cảnh cáo. Quy định này giúp các thầy, cô giáo ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, chủ động phòng ngừa, nghiêm khắc xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhờ được phổ biến kỹ Quy chế thi, ý thức chấp hành nội quy phòng thi của TS được nâng cao”.

Theo báo cáo nhanh của Sở GDĐT, sau 3 ngày thi toàn tỉnh có 23.802 TS dự thi đủ 6 môn/23.946 TS đăng ký dự thi, vắng 144 TS (gồm 53 TS hệ THPT, 91 TS hệ GDTX). Tại 51 HĐT chỉ có 3 TS vi phạm Quy chế thi, gồm: 1 trường hợp tại HĐT THPT Cư M’gar số 2, bị đình chỉ thi do cuối giờ làm bài môn thi Ngữ văn đã tự ý vò bài thi; 1 trường hợp ở HĐT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Buk) và 1 trường hợp ở HĐT Buôn Ma Thuột số 1 (Trường THPT Hồng Đức) bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi khi thi môn thi Địa lý.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.