Multimedia Đọc Báo in

Dạy và học ngoại ngữ: Nhiều vấn đề nan giải

10:24, 15/06/2012

Năng lực chuyên môn của giáo viên còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học chưa đáp ứng yêu cầu, nội dung chương trình còn bất cập là những rào cản khi triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2020”. Làm thế nào để ngoại ngữ từ một điểm yếu trở thành thế mạnh phục vụ  sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như mục tiêu Đề án đặt ra vẫn còn là một câu hỏi lớn?

           Học sinh Trường THPT  Hồng Đức tập trung  ôn tập  môn Vật lý để thay thế  môn  Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT  năm 2012.
Học sinh Trường THPT Hồng Đức tập trung ôn tập môn Vật lý để thay thế môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Dak Lak “vì sao học sinh lớp 12 sợ thi môn tiếng Anh” tại cuộc họp báo chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, ông Phan Hồng Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nếu như ở một số tỉnh miền núi vẫn còn dạy-học môn tiếng Anh theo hệ 3 năm của Bộ GD-ĐT thì 100% trường THCS và THPT ở Dak Lak đã tổ chức dạy theo hệ 7 năm. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh chọn môn thi Lịch sử (năm 2011) và Vật lý (năm 2012) thay thế môn tiếng Anh, mặc dù không nhiều bằng các tỉnh, thành phố khác. Song qua việc lựa chọn này cho thấy việc dạy-học ngoại ngữ còn bộc lộ nhiều vấn đề cần bàn.

Thiếu giáo viên đạt chuẩn

Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 489 trường học tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT, gồm 200 trường tiểu học (chiếm 47%), 226 trường THCS, 52 trường THPT, 5 trung tâm GDTX và 5 trường trung cấp chuyên nghiệp. Đáng mừng 100% trường THCS và THPT đã tổ chức dạy môn tiếng Anh theo chương trình 7 năm. Trong tổng số 1.310 giáo viên (GV) tiếng Anh (1.202 GV biên chế, 108 GV hợp đồng) có 1.084 GV tốt nghiệp đại học, cao đẳng chính quy, 235 GV tốt nghiệp đại học, cao đẳng không chính quy và chưa đạt chuẩn. Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT) cho biết: “ Phần lớn GV trình độ chưa đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ theo quy định của khung đánh giá năng lực châu Âu (bậc 4/6 đối với giáo viên THCS và bậc 5/6 đối với giáo viên THPT). Trong khi đó, số GV tạm gọi là đạt chuẩn lại chỉ nói tiếng Anh theo kiểu...Việt Nam”. Cùng với đó, hầu hết GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học được đào tạo theo trình độ cao đẳng, đại học từ xa, đại học tại chức hạn chế về năng lực chuyên môn nên khó đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ông Phùng Văn Chang, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar cho biết: “Toàn huyện có 34 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh, những năm đầu mới triển khai dạy thí điểm, Phòng  GD-ĐT phải hợp đồng GV tiếng Anh, nhưng hiện nay đã có 24 biên chế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi GV tiểu học phải đảm trách 23 tiết/tuần, do đó Phòng GD- ĐT linh động bố trí GV tiếng Anh phụ trách 2 trường trong cùng một địa bàn xã để bảo đảm số tiết quy định”. Còn ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana phân tích: “Chương trình tiếng Anh tiểu học được xây dựng dựa vào nhu cầu của xã hội Việt Nam và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Trong khi đó, phần lớn đội ngũ GV dạy tiếng Anh của các trường tiểu học được đào tạo ra để giảng dạy bậc THCS và THPT. GV thiếu kỹ năng sư phạm vô tình sẽ làm “thui chột” năng khiếu ngoại ngữ của học sinh, rất khó khắc phục trong các năm học tiếp theo”.

Học ngoại ngữ chỉ để thi

Nhiều GV dạy tiếng Anh nhận định, thời “vàng son” của bộ môn này đã qua cách đây hơn 10 năm. Hiện nay, cả phụ huynh và học sinh đều không “mặn mà” với môn học này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên mấu chốt của vấn đề chính là mục tiêu dạy - học ngoại ngữ chưa rõ ràng (đa số học sinh xác định mục tiêu học ngoại ngữ chỉ để thi) dẫn đến “đầu tư” cho ngoại ngữ không cao như các môn học khác. Thầy Phạm Tiến Anh, GV môn tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du phân tích, mặc dù hằng năm ngành Giáo dục vẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng môn ngoại ngữ, thậm chí là một trong những môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng đề trắc nghiệm. Do đó, GV chỉ cần rèn luyện kỹ năng làm bài (thay vì dạy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh. Trước đây, khi môn tiếng Anh được thi theo hình thức tự luận, kỹ năng viết còn được chú trọng để học sinh có thể tự hoàn chỉnh một câu Anh ngữ. Nhưng từ khi thi theo hình thức trắc nghiệm, học sinh chỉ cần nắm chắc ngữ pháp là có thể thi đạt điểm trung bình. Nguyên nhân sâu xa của việc thay đổi phương pháp dạy để chạy theo mục tiêu trước mắt là chương trình quá nặng, trong khi đó mỗi tuần chỉ bố trí 3 tiết, không đủ thời gian để GV chuyển tải nội dung bài học nên buộc phải lược bỏ những phần không cần thiết để tập trung luyện các kỹ năng làm bài giúp học sinh có thể thi đỗ. Với cách dạy-học ngoại ngữ trên, học sinh dù theo học chương trình 7 năm cũng khó có thể nói những câu tiếng Anh đơn giản.

Mặt khác, xu hướng chọn ngành nghề hiện nay nghiêng về các nhóm ngành kinh tế, tài chính nên với học sinh và phụ huynh việc học tiếng Anh là chưa cần thiết. Nhóm bạn Nguyễn Thị Quý, Giang Văn Kỳ, Đinh Thị Toàn, lớp 12A10, Trường THPT Ea Súp (huyện Ea Súp) nói: “Trước mắt phải tập trung ôn luyện tốt các môn cơ bản để giành “tấm vé” vào đại học. Còn tiếng Anh ư, lúc nào học mà chẳng được”. Không riêng học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cũng có cùng suy nghĩ. Chính vì vậy mới có chuyện “cười ra nước mắt”, năm lớp 11 đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh tham gia ôn luyện trước kỳ thi rất đều đặn, nhưng sang lớp 12 các em thường xuyên vắng, thậm chí có buổi vắng hơn phân nửa. GV phụ trách nóng ruột điện thoại cho phụ huynh thì nhận được câu trả lời để cháu học các môn Toán, Lý, Hóa chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới!

Với thực tế dạy – học ngoại ngữ như hiện nay, khó mà đạt được mục tiêu của Đề án là đến năm 2015 đạt một bước tiến về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; năm 2012 đa số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của địa phương.

Ngày 7-12-2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Dạy - học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2020”, với tổng kinh phí gần 289 tỷ đồng. Trong đó ưu tiên gần 28 tỷ đồng để khảo sát năng lực tiếng Anh của đội ngũ GV các cấp; tập huấn chuyên môn theo chương trình tiếng Anh mới và bồi dưỡng ở nước ngoài cho đội ngũ giáo viên cốt cán. Số kinh phí còn lại sẽ mua sắm trang thiết bị cho 700 phòng học tiếng Anh các cấp.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.