Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn hương vị Tết qua những món ẩm thực truyền thống

10:50, 04/02/2016

Đã trở nên quen thuộc với hàng xóm và bạn bè, tầm 2 tháng trước Tết, bếp than của bà Hoàng Thị Hải Vân, khối 6, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) lại đỏ rực hằng ngày khi bà bắt đầu tất bật việc làm món mứt gừng.

Bà Vân quê gốc Hà Tây, nơi có làng nghề truyền thống làm mứt vào mỗi dịp Tết. Khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, bà Vân lại làm món mứt gừng để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nghề truyền thống của quê hương. Nguyên liệu để làm mứt, bà Vân chỉ lựa chọn giống gừng được trồng ở làng rau suối Đốc Học, bởi theo bà, gừng được trồng ở đây có vị cay nồng, dịu nhẹ đặc trưng mà ít nơi nào có được. Bà Vân cũng chia sẻ thêm: “Để có được đĩa mứt gừng ngon, đầu tiên người làm cần thái gừng thành từng lát to, dài, đẹp mắt nhưng độ dày cũng vừa phải. Sau đó, luộc gừng bằng nước pha thêm ít chanh để gừng có mùi thơm nhưng vẫn giữ được màu vàng đặc trưng; đường cũng không cần nhiều. Khi rim và nhào gừng với đường, người làm cần tập trung để không bị cháy, làm sao cho lửa vừa đủ để đường thấm vào gừng nhưng vẫn bám lại trên bề mặt…”.

Những năm trước đây, bà Vân thường làm mứt đủ dùng trong gia đình và biếu tặng hàng xóm, láng giềng. Mứt ngon, có hương vị cay dịu, lại bảo đảm vệ sinh nên nhiều người biết tiếng đã đến đặt hàng để tặng bạn bè, người thân và bỏ mối cho các tiệm tạp hóa. Chị Hoàng Hương, chủ tiệm tạp phẩm Kim, đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Đã thành lệ, gần Tết, tôi lại đặt bà Vân làm mứt để cung cấp cho khách hàng quen vì vị ngon đặc trưng của nó”. Bà Vân cho hay: “Tuy được nhiều người đặt hàng nhưng tôi chỉ làm vừa đủ, không ham nhiều để bảo đảm chất lượng”.

Bà Vân làm mứt gừng ngày Tết.
Bà Vân làm mứt gừng ngày Tết.

Ở chợ Trung tâm huyện Krông Bông, gần ngày Tết, nhiều chủ sạp bánh kẹo đến đặt bà Trần Thị Khoa làm bánh tổ. Năm nay gần 70 tuổi, bà rất hào hứng khi kể về cách làm món bánh này. Theo bà Khoa, bánh tổ là món ăn đặc trưng của người Quảng Nam - Đà Nẵng trên mâm cúng tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền, cũng giống như bánh chưng ở ngoài Bắc và bánh tét ở trong Nam. Làm bánh tổ phải trải qua nhiều công đoạn để hoàn thành. Bà Khoa cho biết: “Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu là nếp và đường. Tuy nhiên để làm được chiếc bánh vừa dai, vừa dẻo lại có độ ngọt thanh thì không phải ai cũng làm được. Nguyên liệu phải chuẩn bị từ đầu tháng Chạp với loại nếp hảo hạng nhất. Nếp được ngâm, phơi rồi nghiền thành bột. Lúc thắng đường cần cho thêm ít gừng và nấu cho đến lúc có thơm mùi gừng là được. Sau đó thì trộn bột nếp và đường với tỷ lệ phù hợp để khi làm bánh tổ không bị đặc hoặc nhão. Khi nấu hỗn hợp nếp và đường chuyển sang màu vàng, nâu thì cho vào chiếc khuôn bằng nan tre, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Lúc bánh vừa mới vớt ra khỏi nồi, nhanh tay rắc vừng lên mặt bánh. Bánh tổ không nên ăn liền mà để càng lâu thì vị mới đậm đà…”. Theo bà Khoa thì người làm bánh tổ bây giờ cũng đỡ vất vả hơn xưa nhờ có máy nên không phải ngồi đánh bột bằng tay; cứ cho bột nếp vào máy trộn là đã có nguyên liệu để làm thế nhưng bà vẫn chọn cách làm bánh thủ công để không quên đi nghề làm bánh của mình. Chị Nguyễn Thị Hoài, thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) là con gái của bà Khoa, đã lập gia đình riêng nhưng mỗi khi có dịp lễ, tết, chị đều học theo mẹ làm bánh tổ. Chị Hoài tâm sự: “Ngày trước, khi gia đình lên đất Krông Bông lập nghiệp, đời sống khó khăn, cũng nhờ nồi bánh tổ của mẹ đã nuôi chị em tôi ăn học nên người. Giờ mình phải gìn giữ nếp xưa, để truyền lại cho con cháu cho dù bất cứ nơi đâu cũng không quên được món ẩm thực truyền thống này…”. 

Cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại, những món ăn ngày Tết cũng vô cùng phong phú. Đâu đó những lò mứt, lò bánh vẫn đỏ lửa để con cháu không quên và cảm nhận không khí của một cái Tết cổ truyền…

Hoàng Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.