Multimedia Đọc Báo in

Ám ảnh những phận đời kém may mắn

07:43, 23/06/2013

Được phân công viết mảng đề tài về xã hội, được đi và viết về các lĩnh vực liên quan như xóa đói giảm nghèo, hoạt động công đoàn, bảo trợ xã hội, việc làm, dạy nghề, các tệ nạn xã hội… nhưng ấn tượng nhất và luôn ám ảnh trong tôi là những hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh cùng những tấm lòng thơm thảo mà tôi đã gặp...

Ám ảnh về những mảnh đời bất hạnh

Vào dịp cuối năm 2011, chúng tôi theo đoàn của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đến xã Dak phơi (huyện Lak) tặng quà. Sau một buổi trao quà cho hơn 70 trường hợp, trong danh sách còn 5 trường hợp khuyết tật nặng không thể tới nhận, cả đoàn quyết định đến tận nơi trao quà. Đón đoàn là một người đàn ông chừng trên 30 tuổi, tay, chân, thân thể đều như một gốc cây với những cái rễ cây sần sùi. Hơn 30 năm rồi, Y Tung Buôn Krông đã phải chống chọi với dị tật bẩm sinh này mà chưa từng một lần được đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Sức khỏe ngày càng yếu, tay giờ đã khó cầm được đồ vật, chân cũng không còn lết đi được nữa. Bố mẹ mất Y Tung ở với người chị nghèo khó, đông con. Ước mơ lớn nhất của Y Tung là có ai đó hỗ trợ cho anh cặp bò giống để ngồi trông, giúp chị tí chút về kinh tế… Sau đó, theo chân chị H’ Uyn Liêng Hot, người làm công tác xã hội của xã Dak Phơi, chúng tôi  đến thăm gia đình em H’Griêng Cil. Đó là một căn lều lợp lá, 4 phía che bằng phên nứa hở hoác, rách nát. Cha chết, mẹ đi làm thuê, cô chị bị tâm thần lơ ngơ  trông chừng đứa em nhỏ thó da bọc xương nằm bất động giữa nền đất lạnh… Nhìn cảnh tượng đó không ai cầm nổi nước mắt. Ngoài phần quà định sẵn, mọi người trong đoàn đều “dốc ví” gọi là giúp thêm cho gia đình em…

 Hội  Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ  mồ côi  tặng quà “người  rễ cây”  Y Tung  Buôn Krông.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tặng quà “người rễ cây” Y Tung Buôn Krông.

Các trường hợp sau cũng rất thương tâm, tuy nhiên, điều khiến tôi trăn trở nhất đó là hầu hết họ đều chưa được hưởng chế độ trợ cấp cho người khuyết tật, bởi theo chị H’Uyn thì thủ tục làm chế độ hưởng trợ cấp yêu cầu phải có xác nhận mức độ khuyết tật của cơ sở y tế. Trong khi đó những người khuyết tật thường thuộc diện nghèo, không có kinh phí và ngại đi khám bệnh. Một mình chị H’Uyn không thể quán xuyến đưa hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn đi khám bệnh, làm hồ sơ, vì vậy đành chịu… Trước những vướng mắc đó của các địa phương, tôi đã trực tiếp gặp Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) hỏi về vấn đề này và được biết: Thủ tục ban đầu là do UBND xã xét duyệt, vì vậy đối với những trường hợp người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật mà địa phương biết chắc là sự thật thì cứ đưa vào danh sách, hồ sơ xét duyệt gửi lên mà không cần qua cơ sở y tế xác nhận. Sau đó tôi đã có bài viết “Những chính sách làm vợi bớt thiệt thòi cho người khuyết tật” đăng trên báo, đồng thời gọi điện trực tiếp cho chị H’Uyn nói về cách giải quyết các hồ sơ chế độ người khuyết tật và yêu cầu Phòng Bảo trợ Xã hội gửi công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện. Chính vì vậy hiện nay nhiều người khuyết tật ở Dak Phơi đã được hưởng chế độ bảo trợ xã hội…

Hình ảnh những em bé người Êđê rách rưới, còm nhom thu mình trong cái lạnh cuối năm đến nhận quà từ thiện và ăn ngấu nghiến miếng bánh, gói mì tôm được phát ở xã vùng sâu vùng xa Ea Sin (Krông Buk) cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi suốt dịp Tết Quý Tỵ. Đi đâu thấy cảnh những đứa trẻ được ba mẹ chiều chuộng, quần áo đẹp cho đi chơi hay những nơi tiệc tùng… trong đầu tôi lại hiện lên những hình ảnh đối lập của trẻ em vùng Ea Sin và trăn trở: sẽ làm được gì để giúp đỡ họ khi những dòng tin tức, bài viết của mình chưa thực sự đánh thức được điều gì?

Hay như chuyến công tác đi cùng đoàn bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), chứng kiến những nhà hảo tâm khám bệnh, tặng quà trẻ em nghèo huyện Ea Kar tôi đã không ít lần rơi nước mắt trước những hoàn cảnh thương tâm. Bà mẹ trẻ H’ Nhiêu Byă ở xã Ea Sal bật khóc khi được bác sĩ khám bệnh cho con mình vì “từ xưa đến nay không có tiền cho con đi khám bệnh”. Cô vẫn ngơ ngác khi nghe bác sĩ bảo con mình bị bệnh não úng thủy và không hiểu vì sao hơn 3 tuổi rồi mà con trai Y Dung của cô vẫn không biết gì ngoại trừ cái đầu ngày một to quá khổ… Bà mẹ Nguyễn Thị Hòa ở xã Cư Ni thì ôm đứa con tật nguyền 11 tuổi bị bại não trên tay mà khóc vì: “Tới đây nhìn thấy nhiều hoàn cảnh còn bất hạnh và đáng thương hơn mình…”. Quả thật, có chứng kiến những mảnh đời kém may mắn ở đây mới thấy mình thật hạnh phúc và giàu có biết chừng nào!...

Cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng

Chị Lê Thị Ngọc Loan thường trú tại phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) là một phụ nữ có tấm lòng nhân hậu tuyệt vời. Chị Loan tâm sự: “Trong suốt hơn 10 năm đi làm công tác từ thiện, tận mắt chứng kiến biết bao hoàn cảnh đáng thương do tạo hóa đã vô tình thiếu sót càng khiến tôi cố gắng và tận tâm hơn, mong góp chút phần nhỏ bé của mình và là cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với những phận đời không may mắn, giúp họ vợi bớt mất mát, thiệt thòi. Tôi như thấy mình được nạp thêm sức mạnh và cảm thấy thật hạnh phúc khi mang đến cho những người không may một nụ cười…”. Chị Loan là người hoạt động từ thiện tích cực không biết mệt mỏi, chị vận động trong giới kinh doanh, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và trực tiếp đi đến trao tặng quà từng địa chỉ. Trung bình mỗi năm chị đã vận động và trao tặng quà  các gia đình chính sách, khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trị giá hơn 500 triệu đồng. Chị kể, nhiều năm liền ngày Tết trong nhà chị không có lấy một gói kẹo, bởi vì còn bận đi đồn, đi tặng quà cho người nghèo vùng sâu vùng xa giúp họ có cái Tết ấm áp hơn, về đến nhà thì đã đêm 30 và các con chị đang nấu mì tôm ăn… Tết.

Hay như bác sĩ Thúy Hằng, dược sĩ Thùy Linh ở bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm rong ruổi đi khám từ thiện hàng chục lượt ở vùng sâu vùng xa. Khi khám cho trường hợp bé Y Zoan (buôn Riu, xã Cư Huê) bị bại não, da bọc xương, người mềm oặt bác sĩ Hằng không cầm được nước mắt: Những hình ảnh đáng thương như thế này luôn thôi thúc mình phải đi, phải làm điều gì đó có thể để giúp các gia đình, các bé vợi bớt phần nào nỗi đau, bất hạnh…”. Vì số lượng bệnh nhi đến khám quá đông nên hôm đó các bác sĩ phải nhịn đói bữa trưa làm đến tận chiều mới vợi việc. Dược sĩ Thùy Linh cho biết, chuyện nhịn đói khám bệnh, cấp thuốc là chuyện thường xuyên họ nếm trải khi đi khám từ thiện nhưng vui vì nghĩ mình đã góp phần giúp đỡ các bé nơi vùng sâu, vùng xa…

Trong buổi khám từ thiện ở Ea Kar, có một người đàn ông gây sự chú ý của tôi bởi sự năng nổ trong mọi công việc, từ khiêng bàn, sắp ghế cho bác sĩ, dược sĩ khám, hướng dẫn bệnh nhân tận tình và luôn tay hết việc này sang việc khác không ngơi nghỉ. Hỏi ra mới biết đó chính là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Cần Giờ Nguyễn Công Thuận trực tiếp đi theo đoàn bác sĩ đi khám sàng lọc ở các địa phương và là nhà tài trợ chính cho bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật cho các bé bị tim bẩm sinh. Trung bình mỗi năm cá nhân ông Thuận và những người bạn của ông hỗ trợ mổ tim cho hơn 20 ca.

Ngoài ra ông còn hỗ trợ cho rất nhiều trường hợp các bé đến điều trị bệnh ở bệnh viện Nhi đồng 2 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Tôi đã có không ít bài viết về người khuyết tật và người thuộc nhóm yếu thế cũng như những tấm lòng cao cả trong cộng đồng được đăng trên báo Dak Lak: tuy nhiên vẫn thấy mình còn làm được quá ít, nhiều khi cảm thấy bất lực khi không thể làm gì hơn để giúp đỡ họ, những mảnh đời không may trong cuộc sống.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.