Multimedia Đọc Báo in

Tài sản của nhà báo

07:42, 23/06/2013

Chẳng cứ phải có nhiều tiền mới là người giàu có. Với những người đã theo cái nghiệp đi và viết thì thông tin là tài sản đáng quý bậc nhất. Khi có nhiều thông tin, nhà báo đã có thể tự hào mà rằng: mình là người giàu có…

Để nắm giữ được thứ tài sản đáng quý – thông tin - phóng viên có thể phải lặn lội hằng trăm cây số, về tận vùng sâu vùng xa, chỉ để: chụp một tấm hình, lắng nghe một câu chuyện hay tận mắt kiểm chứng những mô hình, những cách làm hay trong xóa đói, giảm nghèo, huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn… Thông tin là chất liệu khởi tạo ban đầu để một tác phẩm báo chí được thai nghén và ra đời. Để nuôi dưỡng cho đứa con tinh thần của mình “vẹn tròn hình hài” và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, nhà báo phải kiếm tìm, thu thập, chắt lọc đầy đủ, toàn diện và chính xác nguồn thông tin. Những chuyến đi cơ sở, dù có trầy trật bởi chuyện xe máy thủng lốp, xe ô tô sa lầy phải hò nhau mà đẩy, rồi lạc đường, bụng đói, mắc mưa ướt như chuột lột… nhưng sẽ chẳng hề hấn gì nếu thành quả thu được là một… “bồ thông tin”. Chao ôi! Chẳng thấy mệt mỏi đâu, chỉ thấy sướng vì mình đã sở hữu được những thông tin hay và ý nghĩa. Trong nhịp đời không ngừng trôi chảy, những người ngoại đạo coi vụ án nọ, sự việc kia “có gì đâu mà viết”, có khi chỉ là câu chuyện làm quà, nói hay kể cho nhau nghe chỉ để biết và thỏa chí tò mò. Nhưng dưới cái nhìn của nhà báo, những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ, cũng có thể chứa đựng cả một thông điệp, một vấn đề mang tính xã hội. Có lẽ cũng bởi bệnh nghề nghiệp, đôi tai luôn lắng nghe, đôi mắt luôn luôn quan sát để kiếm tìm, tư duy về thông tin nên nhà báo đôi khi bị… cảnh giác.

Các phóng viên Báo Dak Lak trong một chuyến công tác tại huyện Lak.  Ảnh: Hoàng Gia
Các phóng viên Báo Dak Lak trong một chuyến công tác tại huyện Lak. Ảnh: Hoàng Gia

Còn chuyện bảo vệ thứ tài sản vô hình này có lẽ chẳng ngân hàng, vệ sĩ  hay lực lượng an ninh nào có thể trợ giúp đắc lực và an toàn hơn chính nhà báo. Xin kể ra đây một câu chuyện buồn mà vui rằng: Đồng nghiệp của tôi đã có vài người bị trộm viếng thăm nhà và cuỗm đi chiếc máy ảnh, rồi cả laptop. Tiếc của thì một nhưng tiếc thông tin bài vở, hình ảnh lưu giữ ở trong máy thì mười vì tiền có thể làm ra mà mua máy chứ có những thông tin, hình ảnh chẳng bao giờ có lại được! Nói về cái sự quý giá này của thông tin, tôi chợt nhớ đến những ngày điều tra xung quanh vụ mua bán hàng qua mạng của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) tại Dak Lak. Gần 2 tháng thu thập thông tin, chứng cứ, loạt bài về MB24 của tôi được đăng tải. Nhiều bạn bè đồng nghiệp ở các báo đã gọi điện xin chia sẻ thông tin. Sau khi sự việc được cơ quan công an vào cuộc, hấp dẫn và hồi hộp không kém với cánh phóng viên chúng tôi là được theo chân những chiến sĩ công an bắt giữ các đối tượng trùm sò của MB24, trong đó có Bùi Thị Chiên, cựu lãnh đạo MB24 tại Dak Lak. Điện báo gấp 7 giờ có mặt tại cơ quan công an, tôi tức tốc lên đường bỏ luôn bữa sáng, nhưng lên đến nơi, đợi một tiếng, hai tiếng rồi tất cả phóng viên cùng các chiến sĩ công an phải thông trưa với bữa ăn đơn giản,  nhanh gọn là cơm hộp hoặc bánh mì. Đến 16 giờ, Bùi Thị Chiên được di lý về Ea Kar, cái “nôi” của MB24 và thực hiện lệnh bắt trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Mọi thủ tục hoàn tất, đồng hồ cũng đã điểm 18 giờ chiều. Kết quả thu được của cả một ngày chờ đợi chỉ là một thông tin ngắn gọn về bắt cựu trùm sò của MB24 – Bùi Thị Chiên nhưng tôi và đồng nghiệp, ai cũng sướng vì đây là một thông tin nóng. Một nam phóng viên còn tính cho cả đoàn về trước, rồi ngồi luôn tại trận làm tin để kịp gửi cho tòa soạn, sau đó sẽ bắt xe buýt về sau.

Dù biết bao khó khăn nhọc nhằn trên hành trình gây dựng tài sản cho mình nhưng nhà báo vẫn đi không mệt mỏi, thông tin biết mà không lấy được là cứ tiếc hùi hụi. Đồng nghiệp muốn biết đồng nghiệp của mình làm ăn thế nào, tài sản dư dả đến đâu chỉ cần tìm trên trang báo và đưa mắt tìm đến những tên tác giả ký dưới bài viết là đủ biết. Và một điều đặc biệt là với tài sản – thông tin mình có được, nhà báo luôn luôn tìm cách chia sẻ đến cộng đồng và đó chính là hạnh phúc của nhà báo.

Thêm một lần nhắn gửi, tài sản mà nhà báo có được để chia sẻ cho độc giả, nhà báo sẽ chẳng thể đơn thương độc mã để thực hiện mà rất cần có sự cộng tác từ cơ sở, cơ quan, đơn vị, những người có trách nhiệm và từ chính bạn đọc.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.