Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ hôm nay

08:48, 14/09/2012

Dù ở lĩnh vực nào, đảm nhiệm công việc gì,  những đoàn viên, thanh niên hôm nay vẫn luôn cố gắng đem tài năng, sức trẻ của mình để cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

 

Người “tiếp lửa” cho phong trào Đoàn

Những năm gần đây, hoạt động Đoàn của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ) ngày càng đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi. Góp phần không nhỏ cho những thành tích ấy là thầy giáo Đinh Khắc Dũng, Bí thư Đoàn trường, một người năng động, vui tính.

“Rung chuông vàng” một trong những hoạt động của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được đoàn viên, học sinh hưởng ứng tham gia tích cực.                                                     Ảnh: K.O
“Rung chuông vàng” một trong những hoạt động của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được đoàn viên, học sinh hưởng ứng tham gia tích cực. Ảnh: K.O

Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy, thầy giáo Đinh Khắc Dũng luôn “hết mình” với công tác xã hội. Là Bí thư Đoàn trường, anh thường trăn trở phải làm thế nào để tổ chức các hoạt động, phong trào một cách nền nếp và thu hút đông đảo đoàn viên, học sinh tham gia mà không ảnh hưởng tới học tập, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chính điều trăn trở ấy cộng với sự cố gắng tìm tòi, học hỏi đã giúp anh xây dựng được các chương trình, phong trào Đoàn phù hợp với môi trường sư phạm và điều kiện của nhà trường. Với mục đích vừa dạy chữ vừa rèn người, anh luôn tâm niệm các hoạt động của Đoàn phải là cơ hội để đoàn viên thanh niên được thể hiện mình đồng thời là dịp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh toàn trường. Vì thế, nhiều hoạt động tình nguyện vì mục đích nhân đạo, từ thiện, “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” tổ chức đã được đoàn viên, học sinh nhà trường nhiệt tình hưởng ứng như: tham gia mua vé số gây Quỹ Khuyến học cho phường Thống Nhất, mua tăm ủng hộ Hội Người mù thị xã Buôn Hồ; giao lưu với trẻ em khuyết tật; quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt; góp đá xây Trường Sa; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng… Ngoài ra, để tạo hiệu ứng “chơi mà học, học mà chơi”, anh đã chủ động tham mưu cho nhà trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tiêu biểu như Chương trình “Rung chuông vàng” đã tạo nên không khí thi đua học tập và thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh đối với việc học tập của con em. Nói về công việc của mình, chàng “thủ lĩnh” này chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn bề nổi nhiều người dễ lầm công tác Đoàn trong trường học có nhiều thuận lợi, vì lực lượng học sinh đông, ý thức chấp hành nghiêm túc. Thế nhưng chính những điều đó cũng là bất cập, bởi trên thực tế học sinh chấp hành mệnh lệnh của thầy cô giáo là một lẽ, còn làm sao để họ nể phục và tự nguyện tham gia các hoạt động lại là chuyện khác. Nắm bắt được tâm lý này, tôi luôn cố gắng tạo nên những phong trào mang tính tự nguyện, vừa học, vừa chơi để thu hút các em tham gia”.

Với sự tâm huyết của người “thủ lĩnh” Đoàn trường và tinh thần nhiệt tình của đoàn viên thanh niên, học sinh, phong trào Đoàn của nhà trường luôn đạt thành tích cao. Nhiều năm nay, Đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng liên tục được nhận giấy khen, bằng khen của UBND thị xã Buôn Hồ, Tỉnh Đoàn. Song thành tích lớn nhất phải kể đến là những phong trào, hoạt động Đoàn đã góp phần nâng cao ý thức rèn luyện, học tập của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Đoàn xã Ea Knuêc (Huyện Đoàn Krông Pak) được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chấp hành pháp luật. Để làm được điều đó, Đoàn xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các trường học... tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng đoàn viên, thanh niên.

Xác định phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, ngay từ đầu năm Ban Chấp hành Đoàn xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo các chủ đề, chủ điểm của từng tháng. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, từ tổ chức các lớp học riêng về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ. Luật Đất đai đến việc lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật và các nghị định, nghị quyết, 6 bài học lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên ngay trong các buổi hoạt động của Đoàn, các kỳ sinh hoạt chi đoàn. Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Loan, Bí thư Đoàn xã Ea Knuêc, các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của Đoàn xã có nhiều thuận lợi: được cấp ủy quan tâm tạo điều kiện; bản thân chị Loan là một tuyên truyền viên pháp luật nên tiếp cận với các văn bản pháp luật nhanh chóng, dễ dàng hơn và tuyên truyền cũng tốt hơn. Ban Chấp hành Đoàn xã luôn tìm cách tuyên truyền phù hợp để mọi đối tượng đều có thể tiếp nhận thông tin sao cho “dễ nghe, dễ nhớ và dễ làm theo”. Song song với việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, Đoàn xã còn tổ chức các đội thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chăm sóc, giúp đỡ đối tượng chính sách… để đoàn viên thanh niên thấy được vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, từ đó xây dựng lối sống lành mạnh, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Bằng cách làm phù hợp, thiết thực, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên thanh niên của Đoàn xã Ea Knuêc đã đem lại hiệu quả rõ nét. Chị Cẩm Loan cho biết, nhận thức của đoàn viên, thanh niên đã từng bước nâng cao, góp phần thay đổi hành vi, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đơn cử như: nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xóa bỏ tình trạng tảo hôn... Đặc biệt, 100% đoàn viên thanh niên đều “nói không” với các tệ nạn xã hội.

Góp vốn giúp nhau lập nghiệp

Đến xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) nhìn những rẫy cà phê xanh tốt, trĩu quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu mà lòng ai cũng phấn khởi vì sự đổi thay của buôn làng. Ông A Drơng Y Miên, Trưởng buôn Tir vừa dẫn chúng tôi đi thăm buôn vừa vui vẻ nói: “Đây toàn là những rẫy cà phê của các thanh niên tham gia Câu lạc bộ (CLB) góp vốn giúp nhau lập nghiệp. Từ khi CLB được thành lập, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong buôn rất chí thú làm ăn, chẳng còn tình trạng nhậu nhẹt, say xỉn quậy phá nữa”.  

Các thành viên CLB “Thanh niên góp vốn giúp nhau lập nghiệp” xã Dliê Yang trao đổi kinh nghiệm chăm bón cà phê.                                                                                                Ảnh: T.A
Các thành viên CLB “Thanh niên góp vốn giúp nhau lập nghiệp” xã Dliê Yang trao đổi kinh nghiệm chăm bón cà phê. Ảnh: T.A

Dliê Yang là xã thuần nông, nhiều thanh niên hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức nên gặp trở ngại trên con đường lập thân, lập nghiệp. Trước tình hình đó, năm 2010 có 10 thanh niên buôn Tir đã đứng ra hùn vốn thành lập CLB “Thanh niên góp vốn giúp nhau lập nghiệp”, tạo “địa chỉ” tin cậy để các bạn trẻ trong xã trao đổi kinh nghiệm về trồng trọt vốn là thế mạnh của địa phương. Với phương châm “góp gió thành bão”, các thành viên CLB thống nhất ban đầu mỗi người đóng góp 5 triệu đồng, mỗi vụ cà phê sẽ cho 2 người có hoàn cảnh khó khăn nhất mượn trước để đầu tư sản xuất. Anh Ksơr Y Chít, một thành viên CLB chia sẻ: “Trước năm 2010, gia đình có 2 ha cà phê, năng suất rất thấp. Khi tham gia CLB, tôi được vay vốn mua phân bón, được chỉ dẫn kỹ thuật nên năng suất vườn cây tăng cao, cuối năm 2011 thu được hơn 4 tấn cà phê nhân, nay đã trả được tiền gốc cho CLB còn thu lãi 80 triệu đồng”. Một thành viên khác-anh Krơs Y Hiền cũng nhờ được CLB hỗ trợ vốn đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Anh Ksơr Y Nhất, Bí thư Đoàn xã (một trong những người thành lập CLB) cho biết: “Ngoài hỗ trợ tiền cho các thành viên, CLB còn vận động ĐVTN trong xã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cà phê do Hội Nông dân xã tổ chức, cử thành viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng cà phê đạt năng suất cao trong và ngoài huyện, hằng tuần CLB họp định kỳ để các thành viên cùng trao đổi tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các thành viên còn tổ chức đổi công sản xuất nên giảm đáng kể chi phí thuê nhân công”. Thấy nhiều ĐVTN trong buôn Tir làm ăn khấm khá nhờ tham gia hùn vốn, ĐVTN các buôn khác cũng xin gia nhập, đến nay CLB đã phát triển lên 33 thành viên với số vốn 130 triệu đồng. Sau 2 năm đi vào hoạt động CLB đã giúp 15 hộ ĐVTN được vay vốn sản xuất, nhờ vậy 14 hộ đã thoát nghèo. Thành viên còn được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất, nhờ làm ăn hiệu quả nên trong 2 năm qua chưa có thành viên nào nợ ngân hàng quá hạn. Hiệu quả hoạt động của CLB có tác động tích cực đến phong trào Đoàn thanh niên toàn xã.

Anh Nguyễn Đình Hoạt, Bí thư Huyện Đoàn Ea H’leo cho biết: “Từ những kết quả đạt được của CLB “Thanh niên góp vốn giúp nhau lập nghiệp” xã Dliê Yang, thời gian tới Huyện Đoàn sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp tới các Chi đoàn trong toàn huyện; đồng thời đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân thêm vốn cho hộ gia đình thanh niên vay; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN…

Thoát nghèo nhờ ham học hỏi

Với sự năng động và tinh thần dám nghĩ, dám làm, Y Ber Du-chàng trai M’nông 29 tuổi (ở buôn Triêk, xã Dak Nuê, huyện Lak) không chỉ là một Phó Bí thư Đoàn xã gương mẫu mà còn biết vượt khó, vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội.

Y Ber Du (bên trái) thăm ruộng lúa lai vừa gieo sạ.                                                                                           Ảnh: T.A
Y Ber Du (bên trái) thăm ruộng lúa lai vừa gieo sạ. Ảnh: T.A

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cuộc sống quanh năm gắn bó với nương rẫy nhưng không đủ ăn khiến Y Ber Du luôn nung nấu ý tưởng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy diện tích cà phê già cỗi và lúa nước của gia đình năng suất thấp do cây trồng thường mắc bệnh, Y Ber đã lấy mẫu đất lên tận Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhờ các kỹ sư phân tích và hướng dẫn cách chọn giống cây trồng phù hợp cùng kỹ thuật trồng trọt chăm bón. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh về vận động gia đình nhổ bỏ số cà phê già cỗi và lên Viện KHKT mua cây giống cà phê vối về trồng. Lúc đầu cây con phát triển rất tốt nhưng một thời gian sau hơn 200 cây héo rũ và chết do bị mối ăn rễ. Không nản chí, anh lại đến “gõ cửa” những người có kinh nghiệm trồng cà phê trên địa bàn huyện để học hỏi. Kết quả vườn cà phê nhà anh sau 3 năm đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Diện tích lúa cũng được chuyển sang giống mới. Trước đây 7 sào lúa chăm sóc kỹ lắm cũng chỉ đạt năng suất 4 tạ/sào. Sau khi tìm hiểu biết do loại giống lúa cũ sinh trưởng kém, hay bị sâu bệnh anh đã liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện mua những giống lúa lai mới cho năng suất cao về trồng, nhờ vậy năng suất đã tăng lên 7 tạ/sào. Thấy anh làm ăn hiệu quả, ĐVTN và bà con trong buôn đến học hỏi kinh nghiệm, nhờ mua giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm bón. Ngoài ra, anh còn cải tạo lại 5 sào vườn tạp trồng tre lấy măng, sầu riêng, xoài, bơ... Nhờ chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, gia đình Y Ber Du đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay gia đình anh có 1,7 ha cà phê chuẩn bị cho thu bói, 1,2 ha vườn và đồng lúa mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Anh còn nhận hơn 1 ha đất rừng trồng keo lá tràm. Anh Y Ber Du tâm sự: “Muốn ĐVTN nghe và làm theo thì trước hết cán bộ đoàn phải làm hiệu quả thì họ mới tin, khi đã tạo được lòng tin rồi thì vận động việc gì cũng dễ”. Hiện cánh rừng keo lá tràm gần 19 héc ta do 24 hộ thanh niên trong buôn và các buôn lân cận vừa trồng phủ xanh đất trống đồi trọc đang sinh trưởng tốt. Y Ber cho biết, thời gian tới sẽ vận động thêm nhiều ĐVTN, người dân nhận đất trồng rừng để phát triển kinh tế và cải tạo môi trường.

Học theo Y Ber Du, hơn 100 ĐVTN trong xã đã vươn lên thoát nghèo, hơn 85% ĐVTN trong xã đang áp dụng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế gia đình. 

 “Cây sáng kiến” trong đoàn kết, tập hợp thanh niên

Làm thế nào để thu hút, tập hợp thanh niên tham gia phong trào Đoàn, Hội Thanh niên là vấn đề mà Lê Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố 7 (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) luôn trăn trở.

Lê Thị Thùy Trang (ngoài cùng bên phải) trong buổi giao lưu tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Đoàn phường Thành Công.                                                 Ảnh: T.A
Lê Thị Thùy Trang (ngoài cùng bên phải) trong buổi giao lưu tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Đoàn phường Thành Công. Ảnh: T.A

Tổ dân phố 7 có 145 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), gồm 3 thành phần: khối trường học, công nhân viên chức và thanh niên địa phương. Do mỗi thành phần có những đặc thù riêng như: ĐVTN khối trường học thường xuyên tham gia sinh hoạt ở trường lớp, công nhân viên chức sinh hoạt ở các cơ quan, đơn vị còn thanh niên địa phương chủ yếu dành thời gian mưu sinh nên ĐVTN rất thờ ơ với hoạt động Đoàn, Hội. Trang bắt đầu từ bạn bè hay gặp gỡ để rà soát, lên danh sách tên tuổi, công việc của từng ĐVTN trong Tổ dân phố rồi gửi thư ngỏ kèm lời mời đích danh tới từng người. Trang chia sẻ: “Lần đầu đi vận động các em học sinh tham dự sinh hoạt, rất nhiều bậc phụ huynh phản đối vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con; còn nhiều thanh niên hay quậy phá lại mặc cảm tự ti, sợ bị cười chê nên không tham gia”. Không nản, Trang tiếp tục thuyết phục các bậc phụ huynh đưa con em tham gia những hoạt động bổ ích vào ngày nghỉ cuối tuần như: tổ chức các trò chơi Team building, dân vũ Tây Nguyên, dân vũ quốc tế, chương trình học làm người có ích, kết nối yêu thương; hoặc kết hợp với Ban tự quản Tổ dân phố vận động các gia đình cùng tổ chức những chuyến dã ngoại tìm hiểu, khám phá môi trường tại những khu du lịch sinh thái trong phạm vi thành phố, qua đó giúp  các em học sinh thêm yêu quý thiên nhiên, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, tự tin và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Đặc biệt chương trình kết nối yêu thương đã được Thùy Trang vận dụng sáng tạo dựa trên nền tảng “Đêm sự thật” trong chương trình “Học kỳ quân đội”. Tại đây các em được nghe những câu chuyện về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và viết thư xin lỗi gia đình vì những lỗi lầm đã gây ra, những bức thư này được Trang gửi cho các bậc phụ huynh đọc để hiểu con cái mình hơn. Nhờ cách làm sáng tạo đó mà Trang đã chiếm được lòng tin của phụ huynh, mỗi khi tổ chức chương trình các gia đình đều cho con em tới tham gia.

Đối với ĐVTN ít tham gia các hoạt động tại địa phương, buổi tối thường tụ tập ngoài đường, Trang đã chủ động ra trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và tuyên truyền công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho các bạn qua kênh Đoàn thanh niên. Nhiều ĐVTN sau khi được Trang giới thiệu đã tìm được công việc ổn định nên rất tích cực trong công tác Đoàn. Để tạo kinh phí cho Đoàn hoạt động Trang đã liên hệ tìm việc làm thêm cho ĐVTN trong tổ dân phố như phát tờ rơi quảng cáo, dọn dẹp, lau chùi kho bãi, chuyển hàng... Số tiền công sau khi thanh toán cho từng người được trích một phần nộp vào quỹ Đoàn. Từ những việc làm thiết thực đó, chi đoàn đã lập được 3 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 500.000 đồng) tặng 3 hộ nghèo trong tổ dân phố, vận động, thu gom được hàng trăm bộ quần áo cũ, vở, bút viết, bánh kẹo tặng trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, trẻ em nghèo các xã vùng sâu, vùng xa… Ngoài ra, Trang đã vận động 6 ĐVTN tham gia đội dân quân tự vệ phường góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Những nỗ lực của Trang cùng Ban Chấp hành Chi đoàn đã mang đến làn gió mới cho công tác Đoàn nơi đây, đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi từ chỗ hoạt động cầm chừng vươn lên trở thành một trong những đơn vị vững mạnh của phường Thành Công.

Kim Oanh – Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc