Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ ở vùng căn cứ

08:27, 29/04/2012

 

Là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, ở những vùng căn cứ, họ càng thể hiện vai trò tiên phong để tạo nên sức bật cho một vùng đất, bởi họ là những thanh niên được tiếp lửa từ truyền thống anh hùng của những vùng đất cách mạng kiên cường.

Kiên cường hôm nay với những nếp nhà khang trang.
Kiên cường hôm nay với những nếp nhà khang trang.

 

Nhìn những con đưởng cấp phối thẳng tắp, những nếp nhà san sát, không ai có thể nghĩ rằng, nơi đây từng là khu vực bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Kiên Cường (nay là thôn 1, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), như cái tên của nó đã thể hiện tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ, ý chí tự lực tự cường, bám trụ đến cùng để xây dựng cuộc sống trên quê hương mới của những người con xứ Quảng.

Ông Lê Hải Nam, Phó Bí thư Chi bộ thôn không giấu niềm tự hào khi kể về lịch sử của vùng đất kiên cường: Năm 1961, thực hiện chính sách ly gián cách mạng, Ngô Đình Diệm đưa 150 hộ dân từ Quảng Nam lên Tây Nguyên, cho ở gần trung tâm Buôn Ma Thuột để dễ bề kiểm soát. Mặc dù bị đàn áp, kìm kẹp, nhưng người dân Kiên Cường vẫn một lòng theo Đảng, ngày ngày tiếp tế lương thực, cung cấp thông tin cho cách mạng. Mỗi người dân không kể già trẻ, gái trai đều trở thành giao liên làm cầu nối giữa chiến khu với các cơ sở nội thành. Do bị bắt bớ, đàn áp, từ 150 hộ gia đình, cuối cùng chỉ còn 38 hộ bám trụ lại kiên cường cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây Kiên Cường là nơi phát triển nhanh và ổn định nhất xã Hòa Thuận, trong đó có sự đóng góp của lớp trẻ lớn lên trên mảnh đất Kiên Cường như Phạm Viết Thái, Bí thư Chi đoàn thôn, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện công nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, em đã trở về Kiên Cường và gắn bó luôn với công tác đoàn. Ở thôn Kiên Cường, 70-80% thanh niên hiện đều theo học các lớp đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Có những em sau khi tốt nghiệp đã trở về chính mảnh đất đã sinh ra nuôi dưỡng mình để cống hiến. Những con đường liên thôn, những mô hình kinh tế giỏi đều mang dấu ấn của tuổi trẻ Kiên Cường, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thôn Kiên Cường đang cùng với xã nỗ lực phấn đấu thành xã điểm của TP. Buôn Ma Thuột trong xây dựng nông thôn mới. Từ 38 hộ khi xưa, nay thôn Kiên Cường đã có 304 hộ với hơn 4.000 khẩu. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ  Nhà nước, người dân đã nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng nơi đây trở thành vùng đất cà phê trù phú với 70% số hộ trong thôn có mức sống khá trở lên, chỉ còn 8 hộ nghèo. 


Thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Dak Phơi (huyện Lak) được biết đến là khu căn cứ vững chắc. Mặc dù luôn bị bom đạn Mỹ, ngụy tàn phá, nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, bám buôn, bám làng, tăng gia sản xuất để nuôi quân. Đây cũng là mảnh đất gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của  một số cán bộ nòng cốt của B5 Dak Lak như Ama Hri, Ama H'oanh, Ama Lak...  Tự hào về truyền thống anh hùng, Ama Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Dak Phơi kể, những năm 1966 khi Mỹ - Diệm đàn áp mạnh mẽ các vùng Krông Bông, Lak thì xã Dak Phơi được chọn làm khu căn cứ cách mạng H10. Lúc này Dak Phơi được gọi là xã 1 và xã 2 theo yêu cầu của kháng chiến. Tham gia kháng chiến, đồng bào Dak Phơi đã vót hàng ngàn mũi chông, đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng nghìn ngày công phục vụ cách mạng. 630 thanh niên của Dak Phơi đã trực tiếp cầm súng và làm những công việc khác nhau cho cách mạng. Trước bom đạn ác liệt của chiến tranh, 46 người con của Dak Phơi đã anh dũng hy sinh. Với những đóng góp lớn lao đó, năm 1977, Dak Phơi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư thông qua các chương trình: 132, 134, 135, 168…, đời sống của đồng bào nơi đây đã không ngừng được cải thiện. Đến nay, điện đã chiếu sáng khắp buôn làng, đường giao thông được mở rộng, kiên cố; tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao đến người dân, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Xã Dak Phơi hiện có gần 1.000 hộ người M’nông, Êđê, Tày và người Kinh sinh sống. Là xã điểm của huyện về xây dựng nông thôn mới nên địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt. Anh Hoàng Trường Giang, Bí thư Đoàn xã cho biết, thanh niên, trước hết là những người có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là lực lượng xung kích, đi đầu thực hiện hiệu quả các phong trào của địa phương. Đoàn xã Dak Phơi đã làm tốt công tác vận động, tập hợp thanh niên phối hợp cùng các hội, đoàn thể khác thực hiện những công trình phục vụ dân sinh, tiên phong trong học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các dự án phát triển ca cao bền vững, phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên khi triển khai tại xã Dak Phơi đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, Dak Phơi có hơn 100 hộ gia đình (chủ yếu là thanh niên) quyết tâm lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trồng được gần 90 ha rừng, kế hoạch năm 2012 trồng mới khoảng 100 ha. Y Liêng, cán bộ văn hóa xã chia sẻ: Mình tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vinh danh những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Ama Du, Ama Plang, Ama Nar, Ama Drông. Vì vậy mình luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người cán bộ gương mẫu, xứng đáng là thế hệ cha anh.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.