Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả xã hội từ những hoạt động hỗ trợ nhân đạo bền vững

09:27, 17/10/2010
Cùng với những cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động từ thiện, thì những dự án hỗ trợ nhân đạo bền vững do các tổ chức xã hội thực hiện đã và đang giúp người nghèo, người kém may mắn có thêm cơ hội để thay đổi cuộc sống.
Sống là cho...
Với không ít người, nhất là các bạn trẻ tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện không chỉ để san sẻ tình cảm với người yếu thế mà còn là cơ hội trải nghiệm. Được chia sẻ khó khăn với người nghèo giúp họ có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống. Mỗi tháng 2 lần (ngày 1 và 15 âm lịch hằng tháng), nhiều người “tình nguyện” đến khu nhà bếp Chùa Sắc tứ Khải Đoan chuẩn bị bữa cơm tình thương. Mỗi người một phần việc: nấu cơm, nhặt rau, chuẩn bị hộp đựng cơm, muỗng, tăm... rất nhịp nhàng để đúng 10 giờ có những phần cơm chuyển đến cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Bạn Nguyễn Văn Hiếu, 20 tuổi, học sinh Trường Trung cấp Nghề Dak Lak nói: “Hơn 1 năm qua, em đều dành thời gian đến phụ nấu cơm tình thương. Mình không thể giúp người nghèo tiền bạc, nhưng rất sẵn lòng giúp họ có bữa ăn ngon, thêm sức khỏe vượt qua bệnh tật, hoàn cảnh éo le”. Còn ông Trịnh Xuân Nghĩa (TP. Buôn Ma Thuột) - người gắn bó với bếp ăn từ những ngày đầu chia sẻ: “Sau những năm bôn ba trong cuộc sống, những giây phút làm từ thiện, nhân đạo lòng mình thanh thản lại. Niềm vui của những bệnh nhân nghèo khi nhận cơm tình thương cũng làm mình vui lây, lấy lại thăng bằng và có thêm động lực phấn đấu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.
Các tình nguyện viên đang chuẩn bị bữa cơm tình thương cho bệnh nhân nghèo
Các tình nguyện viên đang chuẩn bị bữa cơm tình thương cho bệnh nhân nghèo
Anh Phan Văn Trạch, người phụ trách bữa cơm tình thương Chùa Sắc tứ Khải Đoan cho biết, bữa cơm tình thương được khởi phát cách đây 3 năm, ban đầu chỉ khoảng 20-30 người tham gia, nhưng hiện nay đã hơn 100 người, trong đó hơn phân nửa là thanh niên. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải có cái tâm. Có những bạn gắn bó với bếp ăn này gần 3 năm. Nhiều bạn đi làm việc xa, nhưng hằng tháng đều đến phụ nấu cơm tình thương như một nhu cầu tinh thần của mình.
Hỗ trợ thoát nghèo bền vững
Hai vợ chồng chị Lê Thị Khương - Võ Ngọc Tài (thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) lấy nhau ra ở riêng hơn 4 năm nhưng tài sản chẳng có gì ngoài 3 sào cà phê bố mẹ chồng nhờ chăm sóc. Đất canh tác ít, anh chị phải đi làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền nuôi 4 con ăn học. Năm 2007, Dự án Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển kinh tế được triển khai, anh, chị vay, mượn thêm hàng xóm gần 3 triệu đồng mua bò, với hy vọng kinh tế sẽ bớt khó khăn. Sau 3 năm chăn nuôi, từ 1 con bò mẹ ban đầu của Dự án, đến nay đàn bò của gia đình đã được 4 con. Chị Khương hồ hởi nói: “Với giá cả như hiện nay, chỉ cần 1 con bò gia đình đã đủ trả số tiền hỗ trợ cho Dự án. Nguyện vọng của vợ chồng là sau khi hoàn trả vốn, sẽ tiếp tục được hỗ trợ để phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp”. Vợ chồng anh Phan Văn Tuấn (thôn Hiệp Bình, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cũng được hỗ trợ 4 triệu đồng  mua bò từ Dự án Hỗ trợ vốn cho người nghèo phát triển kinh tế. “Từ ngày có bò, gia đình không còn phải ra các đại lý phân bón mua phân trả chậm với lãi suất trên 30%/tháng để chăm sóc vườn cà phê nữa. Chỉ riêng khoản vay này thôi, mỗi năm cũng tiết kiệm được vài triệu đồng”, anh Tuấn cho biết. Chưa hết, tháng trước anh Tuấn bán một con bò đực được 10 triệu đồng (hiện tại, trong chuồng vẫn còn 3 con bò) đầu tư chăn nuôi heo.
Anh Phan Văn Tuấn, thôn Hiệp Bình, xã Quãng Hiệp (huyện Cư M'gar) đang chăm sóc đàn bò
Anh Phan Văn Tuấn, thôn Hiệp Bình, xã Quãng Hiệp (huyện Cư M'gar) đang chăm sóc đàn bò
Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar cho biết, chỉ có 50 hộ nghèo được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ vốn cho người nghèo phát triển kinh tế và số tiền hỗ trợ cũng khiêm tốn (4 triệu đồng/hộ), đối tượng vay đa số là hộ nghèo, do đó để nguồn vốn phát huy hiệu quả, chúng tôi đã giám sát chặt chẽ ngay từ khâu chọn giống bò. Cụ thể, để  các hộ nghèo tự chọn bò giống, phù hợp với số tiền của mình (tuy nhiên không được dưới 4 triệu đồng do Dự án hỗ trợ). Sau khi chọn, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã, thú y xã sẽ phối hợp kiểm tra chất lượng bò giống, nếu bảo đảm mới giao tiền. Trong quá trình chăn nuôi, thành lập các tổ tín dụng, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần để trao đổi kinh nghiệm. Do đó kết quả đem lại rất cao. Sau 3 năm thực hiện, từ 50 con bò ban đầu, đến nay đã phát triển thêm 98 con và đã có 49 hộ thoát nghèo. Hiện tại, Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar đang thu hồi vốn, tiếp tục hỗ trợ cho 50 hộ nghèo của 2 thôn khác cùng xã Quảng Hiệp phát triển chăn nuôi.
Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, hỗ trợ nhân đạo bền vững đang là mục tiêu mà các cấp  Hội Chữ thập đỏ hướng tới. Mục tiêu này đang được cụ thể hóa bằng những dự án, phong trào, chương trình cụ thể: Hỗ trợ nạn nhân da cam phát triển kinh tế, Hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, Nâng cánh ước mơ…qua đó đã giúp hàng ngàn người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Không dừng lại ở đó, các dự án hỗ trợ phát triển bền vững còn nâng cao năng lực cho cộng đồng, tạo điều kiện để người nghèo cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, giải quyết những vấn đề khó khăn của chính họ.
                                                                                          Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc