Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nét mới trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020

08:39, 26/02/2020
Đầu tháng 3, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 sẽ được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Đây là năm thứ 2 Đắk Lắk tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản với sự tham gia của nhiều tác nhân trong chuỗi cung ứng cà phê trong nước và quốc tế.
 
Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 được phát động tại Đại hội thành lập Chi hội Cà phê đặc sản (ngày 6-9-2019) với sự tham gia của 70 tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh cà phê trên cả nước. Ngày 5-12-2019, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 3637/QĐ-UBND ban hành Quy chế Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020. Ngay sau khi có quy chế cuộc thi, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã gửi 150 thư mời đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê trên cả nước; đăng tải trên fanpage Facebook của hiệp hội…
Học viên tham gia lớp tập huấn chế biến cà phê đặc sản được tổ chức đầu tháng 1-2020 tại Đắk Lắk.
Học viên tham gia lớp tập huấn chế biến cà phê đặc sản được tổ chức đầu tháng 1-2020 tại Đắk Lắk.
 
Kết quả, đã có gần 40 đơn vị đăng ký dự thi đến từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Sơn La, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… với gần 60 mẫu dự thi. Để các đơn vị dự thi đạt kết quả tốt nhất có thể, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức hai lớp tập huấn “Chế biến cà phê đặc sản” và “Thử nếm cà phê đặc sản” tại Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) với sự tham gia của hơn 40 học viên trên cả nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn tổ chức triển khai khảo sát vùng nguyên liệu và hướng dẫn các đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Hiện tại, Ban tổ chức Cuộc thi đang tích cực chuẩn bị các thủ tục liên quan theo quy trình cuộc thi cà phê đặc sản của Tổ chức cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association-SCA). Cụ thể là lấy mẫu dự thi, chuẩn bị địa điểm tổ chức cuộc thi, liên hệ mời Ban giám khảo trong nước và quốc tế… 
 
Mẫu cà phê đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 (cà phê Robusta và Arabica) sẽ được gửi đánh giá thử nếm tại Viện chất lượng cà phê quốc tế (Coffee Quality Institute-CQI).
 

Đến thời điểm hiện tại, đã có 2/4 giám khảo quốc tế và 12 giám khảo trong nước nhận lời làm giám khảo tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020. Các giám khảo tham gia thử nếm cà phê tại Cuộc thi bảo đảm yêu cầu của SCA là có chứng nhận Q-Grader do SCA cấp, hoạt động trong ngành cà phê, có kinh nghiệm thử nếm cà phê chuyên nghiệp... Theo kế hoạch, vòng sơ kết Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 4-3, vòng chung kết diễn ra từ ngày 6 đến 8-3-2020.

Các  chuyên gia thử nếm  cà phê  đặc sản  tại  Cuộc thi  Cà phê  đặc sản Việt Nam 2019.
Các chuyên gia thử nếm cà phê đặc sản tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.
 
Đây là lần thứ hai Đắk Lắk tổ chức cuộc thi về cà phê đặc sản với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê trên cả nước. Có những đơn vị mới tham dự lần đầu nhưng cũng có những đơn vị tham gia lần thứ hai. Điều này cho thấy Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã đem đến những hiệu ứng tích cực cho ngành hàng. Bản thân người sản xuất, kinh doanh cà phê ngày càng quan tâm đến vấn đề chất lượng và tự tin với sản phẩm của mình, họ thể hiện mong muốn gắn bó với cà phê bằng hành động, cùng tìm giải pháp phát triển ngành trong bối cảnh giá cả thị trường khó khăn. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, cuộc thi là sự gia tăng kết nối ngành hàng, quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê đặc sản Việt Nam.
 
Do đó, để gia tăng kết nối và cọ xát giữa các chuyên gia và người sản xuất, kinh doanh, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 sẽ có nhiều nét mới khác biệt so với cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Cụ thể là Ban tổ chức sẽ tổ chức hai buổi trải nghiệm dành cho các đơn vị dự thi và các nhà rang xay trong chiều 9-3 và sáng 10-3-2020 tại Khách sạn Biệt Điện. Theo đó, các đơn vị có mẫu cà phê tham gia cuộc thi sẽ được thử nếm cà phê của mình với ban giám khảo Cuộc thi, cùng tìm hiểu lý do vì sao sản phẩm của mình đoạt giải hay không đoạt giải và điều gì cần cải thiện trong khâu sản xuất, chế biến, bảo quản để có thể nâng cao chất lượng cà phê trong tương lai. Bản thân các đơn vị cũng được thử nếm cà phê của các đơn vị đoạt giải.
Đánh giá chất lượng thử nếm cà phê cho các đơn vị có nhu cầu
 
Ban tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 (Vietnam Amazing Cup 2020) cho biết, Ban tổ chức sẽ thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê không đủ điều kiện tham gia Cuộc thi do khối lượng lô hàng dưới 600 kg, nếu có nhu cầu.
 
Theo đó, Hội đồng đánh giá chất lượng sẽ thử nếm theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản của Tổ chức cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association-SCA). Điều kiện gửi mẫu đánh giá chất lượng là lô hàng cà phê nhân Robusta hoặc Arabica có khối lượng tối thiểu 100 kg/lô; khối lượng mẫu gửi là 3 kg cà phê nhân/mẫu. Lệ phí đánh giá 3 triệu đồng/mẫu.
 
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đánh giá chất lượng cà phê gửi mẫu trực tiếp đến Ban tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020 tại địa chỉ: Văn phòng Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, số 15A đường Trường Chinh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thời hạn nhận mẫu đến ngày 25-2-2020.

 

 
Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.