Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh cà phê: Nỗ lực bịt "kẽ hở"

09:02, 16/03/2015

Ngành Thuế tỉnh Dak Lak đang tập trung triển khai nhiều biện pháp mới trong tổ chức quản lý thu nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong hoạt động kinh doanh cà phê.

Gian lận thuế vẫn phổ biến

Thời gian qua ngành Thuế tỉnh Dak Lak đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu, định hướng công tác quản lý và chống thất thu (CTT) thuế TNDN đối với hoạt động  kinh doanh cà phê do khai tăng giá mua theo bảng kê. Từ tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc kiểm tra, giám sát tại cơ quan thuế cũng như việc tổ chức thanh tra tại doanh nghiệp, nhưng xem ra các giải pháp trên vẫn chưa hữu hiệu. Dường như chúng ta chỉ mới thu được ở một số doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thuế, còn với những đối tượng cố tình gian dối thì việc chế tài xử lý gặp phải nhiều rào cản về pháp lý.

Ngưỡng mục tiêu thu nhập chịu thuế tỷ lệ tối thiểu là 0,3% /doanh thu, thiết nghĩ trong điều kiện kinh doanh bình thường thì tỷ suất này là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, một mặt do ý thức về nghĩa vụ của một bộ phận người nộp thuế (NNT) chưa cao; mặt khác việc quản lý của cơ quan thuế còn nhiều lỏng lẻo, tiêu thức công bằng còn chưa được tôn trọng. Đặc biệt hành lang pháp lý quy định về mua hàng theo bảng kê còn bất cập, pháp luật xử lý vi phạm không khả thi dẫn đến nhiều doanh nghiệp có biểu hiện “nhờn thuốc” và tùy thuộc ứng xử chủ quan của giám đốc DN với từng cơ quan thuế mà họ khai báo là lãi nhiều hay lãi ít hoặc lỗ. Kết quả là tỷ lệ doanh nghiêp đạt ngưỡng 0,3% của 9 tháng 2014 với con số rất khiêm tốn (từ 6% đến 34%), chưa tương xứng với kỳ vọng và mục tiêu mà ngành Thuế hướng tới.

Hoạt động kinh doanh cà phê của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh  Dak Lak.  Ảnh: Công Tùng
Hoạt động kinh doanh cà phê của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Ảnh: Công Tùng

Trong nền kinh tế thị trường, lời lỗ trong kinh doanh là chuyện bình thường. Với một ngành kinh doanh mà tính rủi ro cao như cà phê thì người giàu lên và kẻ bị phá sản cũng là điều hiển nhiên. Thế nhưng một nghịch lý khó có thế chấp nhận đó là: không ít doanh nghiêp thực tế giàu lên (như mở rộng quy mô kinh doanh, tài sản ròng của cá nhân tăng lên…) thế nhưng họ luôn khai là bị lỗ hoặc mức lãi chỉ mang tính tượng trưng. Thủ phạm chính và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất thu đó là: Giá cà phê mua vào theo bảng kê mua của người sản xuất trực tiếp bán ra. Thất thu đối với mặt hàng này có lẽ ai cũng biết nhưng để chống thất thu có hiệu quả, đúng pháp luật thì thật là một điều không dễ chút nào, bởi hệ thống chính sách thuế và quản lý, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ, khó thực hiện và tính khả thi không cao!

Trước đây dữ liệu NNT cung cấp cho cơ quan thuế tương đối đầy đủ nhưng quản lý đã trầy trật, việc vốn dĩ đã khó nay lại càng khó khăn. Với chủ trương cải cách thủ tục hành chính về thuế, doanh nghiệp cà phê hầu như không phải kê khai gì về tình hình kinh doanh và nghĩa vụ thuế phát sinh trong cả năm nên việc phân loại tờ khai, giám sát bảng kê và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo Đề án 1438 mà ngành thuế đang triển khai cũng sẽ không còn phù hợp. Với lượng thông tin ít, không kịp thời và thiếu đồng bộ làm thế nào để chống thất thu hiệu quả là một thách thức lớn đối với năng lực nghiệp vụ của cả ngành thuế và từng cơ quan thuế.

Tăng cường công tác giám sát, quản lý

Nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gian lận thuế, ngành Thuế Dak Lak đã xây dựng Đề án sửa đổi đặt trong bối cảnh tuân thủ thủ tục hành chính của ngành, không đặt ra các thủ tục khác gây phiền hà cho DN và hướng vào các trọng tâm với ý tưởng như sau: Đối với ngưỡng tỷ suất thu nhập chịu thuế được điều chỉnh còn ở mức 0,2%/doanh thu. Ngưỡng tối thiểu này là chỉ tiêu dùng để nhận diện khả năng rủi ro được thiết lập nhằm giám sát, đánh giá tuân thủ của NNT; mặt khác nó cũng là một trong những giải pháp kiểm soát nội bộ ngành thuế đối với công chức thi hành công vụ, đồng thời cũng là tiêu chí đánh giá sự nỗ lực của từng cơ quan thuế. Điểm quan trọng nữa là hướng trọng tâm vào phương thức tổ chức, cách làm của cơ quan thuế trên cơ sở mục tiêu dự kiến đồng thời vận dụng quy trình thanh tra - kiểm tra để thu thập, phân tích và xử lý thông tin nhằm ứng phó kịp thời với những đối tượng thường xuyên kê khai lỗ hoặc dưới ngưỡng. Với việc lập dự kiến thu, giao nhiệm vụ thu với một con số cụ thể và có sự giám sát của các bộ phận chức năng nó sẽ là động lực buộc công tác hành thu phải nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm các giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu. Ngược lại nếu không lượng hóa thành chỉ tiêu phấn đấu đối với công việc quá phức tạp sẽ dẫn đến tâm lý “mềm nắn, rắn buông”. Tỷ lệ DN đạt ngưỡng là chỉ tiêu chất lượng tổng hợp đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của từng cơ quan thuế. Cơ chế lập dự kiến thu, giao chỉ tiêu thu và giám sát kết quả thu nếu được thực hiện tốt tự nó sẽ góp phần khắc phục tính trì trệ, thúc đẩy việc tuân thủ, thay thế cho kiểu lãnh đạo, quản lý mà không có chỉ tiêu - mục tiêu cụ thể của công việc. Công tác thanh tra - kiểm tra sẽ tập trung vào quyết toán thuế TNDN năm. Bởi lẽ, “thủ phạm” chính dẫn đến thất thu thuế TNDN là giá mua theo bảng kê, vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện đối chiếu, xác minh giá mua vào theo bảng kê. Với phương châm “Không phát hiện được hành vi khai tăng giá mua theo bảng kê là đồng nghĩa với việc chấp nhận thất thu thuế TNDN”, ngành Thuế Dak Lak đặt ra yêu cầu đối với toàn thể cán bộ, công chức phải có biện pháp giám sát có hiệu quả việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngoài những giải pháp trên, ngành Thuế Dak Lak cũng chú trọng gắn trách nhiệm của người đứng đầu, công chức hành thu trong việc tổ chức triển khai đề án chống thất thu thuế. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, không chỉ đỗ lỗi hoàn toàn cho NNT thiếu tự giác, lợi dụng kẻ hở để trốn thuế mà cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu, chấn chỉnh kỷ cương, rõ ràng về trách nhiệm, bám mục tiêu để hành động hiệu quả, thể hiện quyết tâm “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.  

Với sản lượng hằng năm trên 400.000 tấn, cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong tỉnh. Việc Nhà nước đưa mặt hàng này vào diện không phải kê thuế GTGT đầu ra, đồng nghĩa với một nguồn thu lớn không còn, khối lượng công việc sẽ giảm. Nhiệm vụ còn lại là tập trung vào thuế TNDN - một sắc thuế mà việc gian lận “dễ làm - khó xử” nhưng tin rằng với kinh nghiệm qua nhiều năm và quyết tâm chính trị của ngành hy vọng công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh cà phê năm 2015 sẽ có sự chuyển biến rõ nét.

Phạm Chu

(Cục Thuế tỉnh Dak Lak)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.