Multimedia Đọc Báo in

Nhiều diện tích cây trồng ở huyện Krông Bông bị khô hạn nặng

10:02, 14/03/2015
Dù thời tiết chưa vào cao điểm nắng nóng nhưng nhiều ruộng lúa, rẫy trồng cây công nghiệp ở huyện Krông Bông đã cháy đỏ, héo rũ vì thiếu nước tưới.

Khoảng 10 giờ trưa, ở cánh đồng thôn 8, 9, 10 của xã Hòa Lễ, dưới cái nắng hầm hập như hắt lửa vào mặt, anh thanh niên Nguyễn Tiến Lực buồn rầu nhìn ruộng lúa đang ngả màu vàng đỏ vì nắng hạn, than thở: “Cánh đồng lúa này rộng gần trăm héc-ta, ở giữa thì đất thấp chưa mưa đã ngập, xung quanh triền đồng thì cao chưa nắng đã hạn. Nhà tôi có 6 sào lúa ở đây, 2 sào nằm trên triền cao, 4 sào nằm ở vùng thấp. Ruộng nhà tôi nằm gần cuối cánh đồng, kênh mương thủy lợi dẫn nước ở trong núi ra dài mấy cây số song mương nhỏ và tạm bợ, nước hiếm khi chảy về đến khu vực này. Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ đông xuân thì 2 sào lúa ở triền đồng cao này thường xuyên mất trắng vì không có nước”. Tại khu vực thôn 7, 8 xã Khuê Ngọc Điền, người dân cũng đang tất bật ra sức khơi mương chống hạn. Trên bờ nhánh của mương dẫn nước ra ngoài cánh đồng Lò Lư dài hơn 1 km, hàng chục người ngồi chờ nhau để dẫn những dòng nước hiếm hoi vào chân ruộng của mình. Các hộ dân ở đây cho biết, mấy hôm nay họ thức dậy khi tờ mờ sáng để đi dẫn nước vào ruộng song đến khi trời trưa đứng bóng nước vẫn chưa kịp ngấm vào những đường nứt nẻ trên mặt ruộng. Hì hục dùng cuốc vét những dòng nước cuối cùng trong con mương nhỏ rộng chưa đầy 2 gang tay, anh Thành - một hộ nông dân ở thôn 7 nói: “Gia đình tôi có 8 sào lúa trên cánh đồng này. Sáng nay 2 vợ chồng tranh thủ đem phân đạm ra bón thúc cho lúa nhưng lấy nước mãi từ sáng đến giờ gần 3 tiếng đồng hồ mà nước chưa láng được 1/3 chân ruộng. Không biết khi nào đủ nước, chắc phải để sang ngày khác mới bón phân được”. Nhìn bao quát khắp cánh đồng có thể nhận thấy hầu như chân ruộng nào cũng đã bị khô nước. Nhiều đám giáp ranh với đồng mía của thôn 2, xã Hòa Lễ bị khô rang nứt nẻ đến mức có thể thò luôn cả bàn tay xuống được, nhiều đám lúa vì nắng hạn đã bị bệnh đạo ôn cháy khô, héo queo nên người dân bỏ luôn, không chăm sóc nữa. Theo những người dân ở đây, nguồn nước ở cánh đồng này được dẫn từ thác Krông Kmar nhưng được cấp theo hình thức nhỏ giọt, lúc có, lúc không. Bên cạnh đó, kênh đầu nguồn nằm xa, các kênh nhánh thì nhỏ, sơ sài không đủ lượng nước nên rất khó dẫn nước vào chân ruộng. Tình trạng khô hạn, thiếu nước không những chỉ diễn ra ở những trà lúa đông xuân mà còn xuất hiện tại các xã cánh đông có đất chuyên canh trồng cây cà phê, tiêu, điều. Đi về các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao những ngày này, tiếng máy nổ bơm nước tưới vang rền khắp nơi. Một cán ở xã Hòa Phong cho biết: “Đến nay, nhiều hộ trồng cây công nghiệp ở Hòa Phong cần tưới đợt 2, đợt 3 nhưng sau Tết nguồn nước cạn dần nên việc tưới đang còn khó khăn. Trong thời gian này cà phê đang kỳ tạo quả mà thiếu nước tưới thì e rằng hàng chục héc-ta cà phê sẽ xuống cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mùa vụ”.

Nhiều diện tích lúa ở xã Hòa Lễ bị khô hạn nặng.
Nhiều diện tích lúa ở xã Hòa Lễ bị khô hạn nặng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, tính đến ngày 9-3, toàn huyện đã có trên 375 ha lúa nước bị khô hạn. Số diện tích lúa bị khô hạn chủ yếu là ở xã Ea Trul (98 ha), Hòa Lễ (20 ha), Khuê Ngọc Điền (10 ha), Hòa Phong (95 ha), Cư Pui (74 ha), Cư Drăm (52 ha). Hầu hết diện tích nói trên đều nằm ngoài kế hoạch gieo sạ của vụ Đông xuân 2014-2015. Trong tổng số diện tích bị khô hạn thì có khoảng hơn 300 ha có khả năng mất trắng.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.