Multimedia Đọc Báo in

Những con đường tình làng nghĩa xóm

09:58, 31/07/2014

Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là “lực đẩy” cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương, từ đầu năm đến nay, người dân thôn 8, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã huy động gần 3 tỷ đồng làm đường, góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn tại đây từng ngày đổi mới.

Thôn 8 có 180 hộ, 750 nhân khẩu, người dân trong thôn chủ yếu làm nông và buôn bán nhỏ. Đường GTNT nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản của bà con vô cùng khó khăn. Trước thực trạng đó, Ban tự quản thôn đã bàn bạc, thống nhất phương án huy động sức dân để làm đường. Ông Trịnh Xuân Đường, thôn trưởng thôn 8 cho biết, từ năm 2012, Ban tự quản thôn đã có kế hoạch bê tông hóa các tuyến đường trong thôn, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, do khó khăn về nhiều mặt, huyện, xã không có kinh phí hỗ trợ người dân nên 2 năm 2012-2013, trên địa bàn thôn không có trục đường nào được bê tông hóa. Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, từ đầu năm 2014, người dân trong thôn đã quyết tâm làm đường với tinh thần tự lực cánh sinh, ai có nhiều góp nhiều, ít góp ít…, nhờ đó chỉ trong 6 tháng năm 2014, hơn 3 km đường nội thôn đã được bê tông hóa, với số tiền đóng góp của người dân hơn 2,6 tỷ đồng. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, và các khoản đóng góp không trở thành gánh nặng cho mỗi gia đình, Ban tự quản thôn và người dân đã thống nhất giảm 50% tiền đóng góp cho các hộ nghèo; những hộ khó khăn, chưa có tiền thì vay mượn các hộ khá giả, đến mùa thu hoạch cà phê trả lại. Bởi vậy, nên ai cũng có phần đóng góp cho đường thôn, và các hộ dân nơi đây gọi những tuyến đường này là đường “tình làng nghĩa xóm”.

Mở đầu cho phong trào làm đường GTNT tại thôn 8 phải nói đến vai trò của 5 hộ dân xóm 1, đó là các hộ: Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thái Học, Đinh Xuân Thắng, Hoàng Năng Hùng và Trương Đức Long. Từ nhiều năm nay, năm nào người dân xóm 1 cũng góp tiền để làm cấp phối hơn 300 mét đường xóm, trung bình mỗi hộ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, nhưng cứ đến mùa mưa là đường lại bị hư hỏng. Thế là phải tính đến phương án bê tông hóa, nhưng phương án này cần huy động nguồn kinh phí đóng góp rất lớn nên bị phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, bằng sức thuyết phục khéo léo của 5 hộ trên, cuối cùng tất cả các hộ còn lại dọc 2 bên trục đường xóm đã nhất trí đóng góp làm đường, với số tiền 226 triệu đồng, trung bình 1 hộ 13 triệu đồng. Những ngày đầu mở màn cho phong trào, tất cả người dân 2 bên trục đường đều hăng hái tham gia, nhờ vậy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các hộ dân ở khắp các trục đường trong thôn, và sau khi 300 mét đường tại xóm 1 hoàn thành, các trục khác đồng loạt triển khai, hoàn thành góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn tại đây.

Người dân thôn 8  tham gia ngày công làm đường giao thông.
Người dân thôn 8 tham gia ngày công làm đường giao thông.

Điển hình trong phong trào GTNT tại thôn 8 có gia đình chị Hoàng Thị Hằng, đã đóng góp 25 triệu đồng để bê tông hóa đường nội thôn. Đó là một khoản tiền rất lớn đối với gia đình chị nói riêng cũng như những hộ dân tại thôn 8 nói chung, nhưng vì lợi ích lâu dài nên gia đình chị sẵn sàng góp tiền làm đường. Chị Hằng chia sẻ, bản thân chị là giáo viên trường tiểu học, chồng chị là công nhân công ty cà phê đóng chân trên địa bàn huyện, kinh tế gia đình cũng chẳng dư dả gì, nhưng qua sự vận động của thôn và thấy được lợi ích lâu dài là phải có đường bê tông nên chị không ngần ngại đóng góp. Còn trường hợp gia đình anh Nguyễn Minh Dũng, nghe kể đến ai cũng phải nể phục. Vợ chồng anh chỉ có 5 sào cà phê, thu nhập chẳng đáng là bao, những lúc rảnh rỗi anh chị phải làm nghề phụ bán bắp luộc để trang trải thêm cho cuộc sống, nhưng khi thôn phát động làm đường, gia đình đã tự nguyện đóng góp 13 triệu đồng… Anh Dũng cho hay, đường giao thông là của chung mọi người, các hộ dân đóng được thì gia đình anh cũng đóng được, có tiền thì càng tốt, không có thì vay mượn để thôn làm đường kịp thời. Giờ mùa mưa đến, nhìn những con đường bê tông thẳng tắp anh rất phấn khởi vì công sức mình và các hộ khác bỏ ra không uổng phí. Không giấu được sự hồ hởi, ông Trương Đức Long bộc bạch: chỉ là một địa bàn vùng nông thôn của huyện Cư Kuin thôi, nhưng nhìn bộ mặt thôn 8 có khác gì thành phố đâu. Hầu hết các trục đường đều được bê tông hóa, rộng 4 mét theo tiêu chuẩn nông thôn mới, 2 bên đường đều có điện chiếu sáng – tất cả đều do công sức, tiền bạc của những hộ dân trong thôn bỏ ra.

Nhờ sự đồng lòng của người dân, thôn 8 đã huy động được một nguồn kinh phí không nhỏ để hoàn thành nhiều trục đường, những việc đó trước đây tưởng chừng không bao giờ làm được. Nhưng, sức dân có hạn, khối lượng các tuyến đường cần bê tông hóa còn nhiều nên rất mong Nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí để chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi đây trên lộ trình hoàn thành mục tiêu bê tông hóa 100% trục đường chính của thôn trong thời gian sớm nhất.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.