Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp

09:51, 29/07/2014
Đầu năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện M’Drak triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp thí điểm đối với 10 hộ dân tại 7 xã trên địa bàn huyện.
 
Mô hình thí điểm chọn giống bò lai Zebu (bò hướng thịt), trồng cỏ tạo thức ăn, nuôi nhốt trong chuồng, tiêm phòng dịch bệnh, vỗ béo theo đúng quy trình để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tham gia mô hình này, các hộ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hợp lý đối với việc sử dụng, chế biến thức ăn đảm bảo chất lượng cho bò phát triển nhanh; hỗ trợ vắc-xin phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ giống cỏ và kỹ thuật trồng; phân phối giống nhân tạo cho đàn bò để cải tạo tầm vóc. Là địa phương có lợi thế về đồng cỏ rộng có thể phát triển chăn nuôi công nghiệp theo mô hình trang trại, gia trại nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thử nghiệm và cho hiệu quả cao.

Nhờ đầu tư mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp,  gia đình anh Nguyễn Văn Hợi có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Nhờ đầu tư mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp, gia đình anh Nguyễn Văn Hợi có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

 Được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện, gia đình anh Nguyễn Văn Hợi tại thôn 5 xã Ea Lai đã mạnh dạn đầu tư, dành hẳn 3 sào đất để trồng cỏ và xây dựng trang trại nuôi bò theo mô hình bán công nghiệp. Bắt đầu với 3 con bò, sau một năm áp dụng mô hình này, số bò đã tăng lên 6 con, trị giá mỗi con bò trưởng thành là 35-40 triệu đồng. Anh chị đã bán được hai con để phục vụ cho sản xuất và tiếp tục thực hiện phối giống nhân tạo. Cuộc sống của gia đình cũng dần được khấm khá và thoát được nghèo. Anh Hợi chia sẻ: Việc áp dụng mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp này tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trong việc chủ động chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm được lượng thức ăn vì có thể tự tạo ra thức ăn cho bò từ những phế phụ phẩm như ngô, sắn, rơm… Gia đình anh Đinh Minh Chiểm ở thôn 14 xã Ea Pil cũng là một trong những hộ gia đình thực hiện thành công mô hình chăn nuôi bán công nghiệp. Ban đầu gia đình anh chỉ có 4 con bò, sau hơn 1 năm áp dụng mô hình, đàn bò đã tăng lên đã tăng lên 8 con, trong đó có 1 con đang mang bầu. Gia đình đã bán được 4 con (3 con bê và 1 bò mẹ), thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: Tổng chi phí cho 10 mô hình nuôi bò bán công nghiệp là hơn 182 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư gần 117 triệu, người dân đóng góp gần 65,5 triệu đồng. Sau hơn một năm triển khai thí điểm, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả đáng kể. Việc áp dụng mô hình giúp cho bà con tiết kiệm được chi phí và sức lao động, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Sắp tới Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu với UBND huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi và tập huấn cho bà con về mô hình nuôi bò bán công nghiệp, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã còn khó khăn trên địa bàn huyện nhằm giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế và đưa nghề chăn nuôi bò trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương…

 Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.