Multimedia Đọc Báo in

Nhiều hộ dân ở Cuôr Knia đang "khát" điện

08:50, 30/07/2014

Hơn 10 năm nay, đời sống của người dân ở 6 thôn thuộc xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn dường như bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bởi không có điện…

Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 20 km nhưng xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn có tới 6/12 thôn đến nay vẫn chưa có điện sinh hoạt. Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia cho biết: Xã thuộc khu vực II của Tây Nguyên, nằm trong diện tích quy hoạch điện. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, xã vẫn còn 6 thôn chưa có điện sinh hoạt là: Ea Knin, thôn 7, thôn 8, thôn 11, thôn 12, và thôn Sình Mây. 6 thôn này có cả thảy hơn 3.000 nhân khẩu, 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 33%. Theo ông Thanh, do thiếu điện, người dân không chủ động trong việc tưới tiêu cho cây trồng, những hộ chăn nuôi thì không được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Học sinh phải học tập trong điều kiện không bảo đảm ánh sáng, không được áp dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại, đặc biệt là môn tin học. Anh Nguyễn Văn Hòa, một người dân ở thôn 8 than thở: “Không có điện, muốn làm gì cũng khó, chúng tôi không được tiếp cận thông tin truyền thông, cuộc sống dường như tách biệt với thế giới bên ngoài”. Còn em Lã Thị Uyên, học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tâm sự: “Chiều đi học về là em phải tranh thủ làm bài tập luôn vì buổi tối không có điện. Có những chiều bận phụ giúp bố mẹ việc nhà, vậy là sáng hôm sau lên lớp mà vẫn chưa hoàn thành bài tập về nhà”. Thiếu điện, công tác tuyên truyền vận động nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn vì không thể lắp đặt hệ thống truyền thanh tại các thôn; hệ thống thông tin liên lạc bị hạn chế nên việc xử lý ngăn chặn các vụ việc không kịp thời… Người dân sau một ngày làm việc cực nhọc, muốn xem tivi giải trí hoặc học hỏi kinh nghiệm sản xuất cũng khó lòng mà thỏa nguyện.

Ông Nông Đức Hồng đang sửa tua-bin phát điện của gia đình mình.
Ông Nông Đức Hồng đang sửa tua-bin phát điện của gia đình mình.

Để có điện chiếu sáng tạm thời, người dân ở đây đã lợi dụng sức nước của các con suối để xây lắp tua-bin phát điện nhỏ. Mặc dù không mất chi phí sử dụng hằng tháng nhưng việc sử dụng điện theo cách này cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định, nhất là khi Dak Lak đang vào mùa mưa, nguy cơ rủi ro từ những tua-bin này lại càng tăng cao. Một số hộ khác kéo điện từ xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) với mức chi phí khá cao để sinh hoạt. Tuy nhiên do điện kéo từ địa phương khác, đường dây không đúng quy chuẩn, điện năng hao tổn nhiều, dẫn đến chi phí sử dụng cao mà chất lượng điện thì không bảo đảm. Ngoài ra, để có điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số hộ đã đầu tư kéo điện 3 pha từ xã Ea M’nang về phục vụ tưới tiêu với mức chi phí bỏ ra khoảng 2 triệu/sào, chưa kể chi phí đường dây, phí lắp đặt…

 Có đến địa bàn các thôn này mới được chứng kiến tận mắt những đường dây điện tự phát chằng chịt, thấp lè tè, được “ngoắc” sơ sài trên những cây gỗ băng qua rẫy cà phê, qua nhiều nhà dân. Việc kéo dây điện vô tội vạ như vậy đang ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Ông Nông Đức Hồng, Trưởng thôn Sình Mây bức xúc: “Người dân trong thôn khốn khổ vì do thiếu điện nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống địa bàn khảo sát, quy hoạch để kéo điện về cho dân. Tuy nhiên, việc quy hoạch lưới điện cho 6 thôn ở đây hình như cũng đang nằm trên giấy…”.

Người dân 6 thôn của xã Cuôr Knia đang ngày đêm mong mỏi lưới điện quốc gia sớm được kéo về để giúp bà con yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống lâu dài.

 Thảo Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.