Multimedia Đọc Báo in

"Khuyết"... ở khâu quảng cáo,tiếp thị: Sản phẩm địa phương khó vươn xa!

16:15, 29/07/2014

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp (DN) địa phương đã khẳng định được vị thế và  năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại ngoài tỉnh, thế nhưng, giá trị kinh tế thu về lại không tương xứng với tiềm năng hiện có. Một trong những nguyên nhân là do DN chưa thật sự đầu tư nhiều cho việc giới thiệu, quảng bá thương hiệu.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh,  nhưng với nhiều sản phẩm của địa phương, dù đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, sẵn sàng ủng hộ, tìm mua nhưng không biết bán ở chỗ nào. Còn nhớ, tại Hội chợ hàng Công nghiệp Dak Lak trong thời gian gần đây, mặt hàng thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm mây, tre đan của Hợp tác xã (HTX) Phú Thịnh (huyện Krông Pak)… đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, trong đó có chị Phan Thị Xuân (huyện Lak). Chị Xuân vô cùng thích thú khi bắt gặp những chiếc giỏ đan, kệ đựng báo, hay vật trang trí xinh xắn, tinh xảo, với các kiểu đan lồng 1, lồng 2, đan mắt cáo… rất công phu và tinh tế của HTX. Theo chị, những sản phẩm này không thua kém gì sản phẩm của các làng nghề danh tiếng khác trong nước, nhưng chị ít được nghe nói đến, thậm chí hoàn toàn không biết nếu không có hội chợ diễn ra. Trên thực tế, nhiều năm qua, HTX Phú Thịnh đã khẳng định với người tiêu dùng (NTD) bằng những sản phẩm có chất lượng, bản thân các xã viên cũng biết đề cao chữ tín…, nhưng sản phẩm khó “vươn  xa” do “khuyết” ở khâu quảng cáo, tiếp thị. Chia sẻ về điều này, chị Đỗ Thị Oanh, xã viên HTX bộc bạch: so với các mặt hàng cùng loại thì sản phẩm ở đây đã tạo được sự khác biệt, bảo đảm uy tín, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NTD,  nếu có điều kiện tiếp thị, quảng bá rộng rãi thì NTD có cơ hội được biết và tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.
Người tiêu dùng tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm mây, tre đan của Hợp tác xã Phú Thịnh.
Người tiêu dùng tìm hiểu, lựa chọn các sản phẩm mây, tre đan của Hợp tác xã Phú Thịnh.

Hay như câu chuyện kinh doanh của Công ty Cổ phần thực phẩm Núi Xanh (huyện Cư M’gar) cũng là một ví dụ.  Sau 2 năm đi vào sản xuất rau sạch, doanh số bán ra cũng chỉ mới dừng lại ở mức khiêm tốn, dù đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap và đưa vào tiêu thụ ở siêu thụ Metro Buôn Ma Thuột. Chị Hoàng Thị Thúy - Giám đốc Công ty cho biết, rau xanh là thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, sản xuất rau của công ty tuân thủ các quy trình khắt khe, được cam kết về chất lượng, nhưng đầu ra lại không ổn định. Một trong những nguyên nhân hàng đầu có lẽ là do sản phẩm chưa được quảng cáo trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào nên NTD rất mù mờ, chưa thể phân biệt được rau an toàn của công ty với các loại rau thông thường khác đang bán tại các chợ. Thẳng thắn nhìn nhận về điều này, ông Bùi Quang Lộc - Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho rằng, chính việc chưa đầu tư cho bao bì, và chưa thực sự quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất đã làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ sản phẩm. NTD chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để mua rau an toàn, nhưng lại khó phân biệt được đâu là rau an toàn của công ty với các loại rau thông thường khác. Quan trọng hơn, họ chưa biết phải tìm mua ở đâu!

Rõ ràng, trong cuộc chạy đua với hàng ngoại thì hàng “sạch” do trong nước sản xuất có lợi thế hơn, bởi NTD sẵn sàng ủng hộ, bỏ tiền ra để lựa chọn hàng Việt. Riêng ở Dak Lak, do khâu quảng bá, tiếp thị… hạn chế nên một số sản phẩm của địa phương dù có chất lượng vẫn chưa thể vươn xa. Qua đó, có thể thấy công tác tuyên truyền góp phần quan trọng giúp NTD nhận biết rõ hơn về sản phẩm chất lượng, đồng thời, giúp DN mở rộng quy mô sản xuất cũng như mạng lưới phân phối, tiêu thụ. Do đó, DN cũng cần nỗ lực đầu tư quảng bá cho sản phẩm của mình để NTD luôn nhớ đến và yên tâm chọn mua.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc