Multimedia Đọc Báo in

Thu nợ vốn vay nước sạch và công trình vệ sinh ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông): Cần có hướng giải quyết hợp lý hơn

10:58, 19/06/2011

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2003 đến 2005, có 1.095 hộ dân xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hơn 1 tỷ 453 triệu đồng để đóng góp kinh phí xây dựng, kết nối nước sạch và làm công trình vệ sinh hộ gia đình. Điều đáng nói, theo quy định sau thời gian 3 năm kể từ ngày được giải ngân, các hộ phải hoàn trả vốn vay. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số hộ trả gần 220 triệu đồng cho ngân hàng. Hiện số vốn còn dư nợ hơn 1 tỷ 236 triệu đồng, trong đó, vốn xây dựng nhà vệ sinh hơn 520 triệu đồng, vốn nước sạch hơn 716 triệu đồng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Hồ sơ vay vốn không rõ ràng
Xã Hòa Lễ hiện có 3 công trình cấp nước tập trung (CNTT) gồm Đông Duy Lễ, Thăng Lễ (xây dựng năm 2002) và Trung Lễ (xây dựng năm 2007). Sau khi công trình Đông Duy Lễ và Thăng Lễ hoàn thành, năm 2003, có 250 hộ ở khu vực 2 công trình CNTT nói trên đã được Ngân hàng Chính sách  xã hội cho vay 90 triệu đồng (mỗi hộ từ 300.000-600.000 đồng) để đóng góp chi phí đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 140 hộ trả tiền vốn vay. Bà Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - đơn vị được giao trách nhiệm thu hồi vốn vay nước sạch và công trình vệ sinh cho biết: “Việc thu hồi vốn vay nước sạch ở 2 công trình Đông Duy Lễ và Thăng Lễ tuy phải kéo dài nhưng vẫn có thể thu được, vì số tiền vay không nhiều, các hộ dân đều trực tiếp nhận tiền ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Cái khó nhất mà Hội Phụ nữ xã đang gặp phải là tìm ra biện pháp hữu hiệu để thu hồi vốn vay nước sạch ở công trình cấp nước Trung Lễ”. Quả thật, qua tìm hiểu được biết, công trình cấp nước Trung Lễ do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (NSH-VSMT) tỉnh làm chủ đầu tư với tổng vốn xây dựng hơn 2 tỷ đồng, trong đó, dự án Danida (Đan Mạch) hỗ trợ không hoàn lại trên 990 triệu đồng, người dân phải đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đời sống của đa số người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn nên để có tiền đóng góp xây dựng công trình, Hội sử dụng nước Trung Lễ đã lập tờ trình số 32/TT-SDN ngày 6-9-2006 xin vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau khi hoàn tất các thủ tục vay vốn, Hội Phụ nữ xã đã trực tiếp đứng ra nhận khoản tiền vay hơn 710 triệu đồng từ ngân hàng và chuyển cho Hội sử dụng nước Trung Lễ. Sau đó Hội sử dụng nước Trung Lễ chuyển số tiền trên cho đơn vị thi công dự án. Giải thích về nguồn gốc của khoản vay trên, anh Vũ Xuân Trợ, Hội trưởng Hội sử dụng nước Trung Lễ cho biết thêm: “Năm 2006 là thời hạn cuối giải ngân nguồn vốn tài trợ hơn 990 triệu đồng của dự án Danida, trong khi đó, vốn đối ứng của địa phương chưa có. Vì vậy, chính quyền, đoàn thể địa phương, Hội sử dụng nước và Trung Tâm NSH-VSMT tỉnh đã tổ chức họp dân tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và động viên các hộ ký hồ sơ vay vốn kịp thời. Do thời gian gấp rút, nhiều hộ đã ký vào hồ sơ vay vốn trong khi chưa hiểu rõ nguồn gốc số tiền vay, thời hạn, cách thức trả nợ, đơn vị nào chịu trách nhiệm thu hồi vốn vay. Điều đáng nói, chính việc người dân không trực tiếp nhận số tiền vay, Hội Phụ nữ xã và Hội sử dụng nước Trung Lễ không sâu sát, tích cực trong việc thu hồi vốn nên tạo tâm lý ỷ lại, kéo dài việc trả nợ ngân hàng”.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Lễ và Hội sử dụng nước Trung Lễ kiểm tra việc sử dụng nước sạch của gia đình ông Trương Thanh Thu (thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông).
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Lễ và Hội sử dụng nước Trung Lễ kiểm tra việc sử dụng nước sạch của gia đình ông Trương Thanh Thu (thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông).
Cần một giải pháp hợp tình, hợp lý
Qua khảo sát thực tế được biết, hiện những hộ có tên trong danh sách nợ tiền vốn vay nước sạch ở công trình Trung Lễ không hề có trong tay bộ hồ sơ nào liên quan đến việc đã vay vốn ngân hàng. Do đó, nhiều hộ đã quên hẳn khoản vay này. Ông Trương Thanh Thu ở thôn 7 cho biết: “Để được đấu nối nước sạch, gia đình tôi phải đóng góp 1 triệu đồng gồm tiền mua đồng hồ và công lao động. Tôi chỉ nhớ mang máng có ký vào giấy tờ gì đó nhưng hiện tại gia đình không lưu giữ hồ sơ nào liên quan đến việc vay vốn nên không biết mình có nợ ngân hàng hay không. Nếu các ngành liên quan chứng minh rõ nguồn gốc số tiền vay của gia đình thì chúng tôi sẽ hoàn trả khoản nợ đó”. Còn anh Lê Quang Phước ở thôn 7 lại bức xúc nói: “Qua tuyên truyền tôi chỉ biết để được đấu nối sử dụng nước sạch, mỗi hộ phải đóng 300.000 đồng tiền mặt và công lao động. Hộ nào không có điều kiện tham gia đào đường ống thì đóng thêm 700.000 đồng nữa. Tôi nhớ mình không hề ký vào hồ sơ vay vốn bởi nếu gia đình vay thì phải có hồ sơ lưu. Đã gần 5 năm nay, tôi cũng không nghe ai nhắc gì về khoản nợ này. Và đến bây giờ, tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết mình có tên trong danh sách nợ hơn 2 triệu đồng vốn vay nước sạch do Hội Phụ nữ xã quản lý. Vì vậy, không lý gì tôi phải trả khoản nợ trên”. Ngoài số hộ không biết mình có nợ ngân hàng thì ngược lại, những hộ biết cũng chưa chịu trả. Chẳng hạn như gia đình bà Ngô Thị Kim ở thôn 6. “Tôi nhớ mình có ký vào hồ sơ vay hơn 2 triệu đồng để đóng góp xây dựng công trình nước sạch nhưng do chưa có điều kiện trả nợ nên đành kéo dài. Hơn nữa, cả mấy trăm hộ chưa ai trả thì mình cũng cứ từ từ khi nào dư giả mới tính”, bà Kim cho hay.

Ngoài những vấn đề nêu trên, còn có một số nguyên nhân khác khiến việc thu hồi nợ vốn vay nước sạch ở công trình cấp nước Trung Lễ gặp nhiều trở ngại. Thời điểm năm 2006, để có đủ số tiền vay hơn 710 triệu đồng phải có 350 hồ sơ vay vốn (mỗi hộ hơn 2 triệu đồng). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 298 hồ sơ, vẫn còn thiếu 52 hồ sơ so với dự tính ban đầu do các hộ ở thôn 9 không đăng ký sử dụng nước sạch. Điều này đã gây khó khăn cho Hội Phụ nữ xã vì không biết thu ai để bù vào khoản nợ hơn 105 triệu đồng của 52 hồ sơ còn thiếu.  Thêm vào đó, trên thực tế những hộ mới đăng ký kết nối sử dụng nước ở công trình cấp nước Trung Lễ chỉ phải đóng 1 triệu đồng. Điều này đã tạo ra tâm lý so sánh giữa các hộ đăng ký kết nối trước với những hộ sau này. Để thu hồi nợ, chị Lê Thị Thảo đề xuất: “Thời gian tới, UBND xã, Hội Phụ nữ xã, Hội sử dụng nước Trung Lễ cần tổ chức họp dân ở các thôn có liên quan đến công trình cấp nước Trung Lễ với sự tham gia của cán bộ Trung tâm NSH-VSMT tỉnh để nói cho người dân hiểu rõ hơn lợi ích của việc sử dụng nước sạch, trách nhiệm, nguồn gốc số tiền đã vay, đơn vị thu hồi nợ. Đồng thời, Hội Phụ nữ xã sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho các chi hội trưởng phụ nữ đi đến từng hộ đôn đốc, nhắc nhở việc trả nợ”. Xung quanh vấn đề này, anh Vũ Xuân Trợ cũng đưa ra giải pháp: “Do hiện tại chưa có hộ nào trả nên số nợ còn khá lớn trên 710 triệu đồng. Vì vậy chính quyền và các đơn vị liên quan nên tổ chức họp tất cả 360 hộ (kể cả số cũ và mới đăng ký kết nối) hiện đang sử dụng nước ở công trình cấp nước Trung Lễ để cùng bàn bạc, thống nhất cách trả nợ ngân hàng nhằm tạo sự công bằng giữa hộ sử dụng trước và sau”.

Có thể nói, chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Hòa Lễ. Tuy nhiên, do cách làm thiếu chặt chẽ trong việc lập hồ sơ vay vốn, thu hồi nợ và chính tâm lý ỷ lại của người dân nên dẫn đến việc nợ đọng kéo dài. Thiết nghĩ, ngoài nỗ lực của các đơn vị liên quan, những hộ đã ký hồ sơ vay vốn cần tự giác trả nợ ngân hàng. Có như vậy vấn đề nợ đọng vốn vay nước sạch ở xã Hòa Lễ mới được giải quyết.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc