Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế trang trại gắn liền với môi trường sinh thái

16:28, 08/05/2010

Trang trại của gia đình cô Trần Thị Hương (297 Nguyễn Trường Tộ, TP. Buôn Ma Thuột) được biết đến là một điển hình thành công với mô hình chăn nuôi khép kín gắn liền với môi trường sinh thái…

 

Do có sân chơi rộng rãi nên đàn heo rừng lai phát triển tốt.
Do có không gian rộng rãi nên đàn heo rừng lai phát triển tốt.
Trang trại có địa thế cao, toàn bộ diện tích gồm 4,6 ha, trong đó 4 ha đất sử dụng trồng rừng thực nghiệm với nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, hương, xoan đào, cam xe… Sau gần 3 năm chăm sóc, độ cao trung bình của cây đã gần 6m, tính ra chỉ trên dưới chục năm là có thể cho thu hoạch. Để lấy ngắn nuôi dài, gia đình cô đã xây bao toàn bộ diện tích 6 sào, nuôi heo rừng, gà sao và cá lăng đuôi đỏ. Cô cho biết, khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi là khâu tạo giống heo rừng và gà sao, bởi thị trường Dak Lak chưa nhiều. Đối với việc nuôi heo rừng, ban đầu cô chỉ mua được vài con giống, sau đó, lai heo rừng với giống heo thả rông của bà con ở các buôn mang ra. Cùng với đó là tạo sân chơi có nhiều cây xanh, để đàn heo có điều kiện phát triển như trong môi trường tự nhiên. Hiện nay, tổng số heo rừng lai đã được gần 200 con. Cô Hương cũng đã nhân giống loài gà sao liên tục trong 3 năm với gần 200 con. Đây là giống gà tương đối dễ nuôi, ít nhiễm bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là cỏ, cám chỉ là phụ, nên đầu tư không tốn kém so với các loại gà khác. Trung bình gà trưởng thành có trọng lượng từ 2- 3kg/con và bán ra thị trường với giá khoảng 75.000 - 80.000/kg, đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Thấy việc chăn nuôi thuận lợi, gia đình cô sắm thêm 1 lò ấp trứng cung cấp cho bà con quanh vùng... Tận dụng quỹ đất mặt nước hơn 1 sào cô Hương đã nuôi cá lăng đuôi đỏ, vành ao trồng thêm cây chuối làm thức ăn cho heo, gà. Tất cả hệ thống trang trại được phân bố vị trí hợp lý, sạch sẽ và gọn gàng. 
 
Là người luôn trăn trở làm giàu nhưng cô Hương cũng rất chú trọng các khâu vệ sinh môi trường, xây hệ thống bioga tự động, toàn bộ nước thải  theo đường ống khép kín dồn xuống ao, tiết kiệm được nguyên liệu trong đun nấu đồng thời bảo đảm vệ sinh cho các hộ kế cạnh. Thêm nữa, cô đã trực tiếp mời chuyên gia vệ sinh môi trường của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak kiểm định và đạt yêu cầu quy định trong chăn nuôi. Không những vậy thành phần tạp chất trong nước có tới 70% đạm, rất phù hợp để tái sử dụng nuôi cá nước ngọt. Năm 2009 gia đình cô thu nhập từ heo và gà được gần 100 triệu đồng.

Vốn là một nhà giáo dạy môn sinh học, cô Hương có một sở thích sưu tập lan rừng. Hiện cô đang sở hữu hơn 100 giống lan quý thuộc chi Dendrobium của rừng khộp như thủy tiên, vảy cá, long tu, giáng hương… Khi đến thăm trang trại gia đình cô Trần Thị Hương, chúng tôi đều có cảm nhận chung không gian thoáng đãng, trong lành, tạo cảm giác như đến với khu sinh thái hơn là một trang trại phát triển kinh tế. Đặc biệt đứng ở điểm cao nhất của trang trại có thể hướng mắt nhìn thấy các khu dân cư của thành phố Buôn Ma Thuột.

Từ mô hình trang trại khép kín của gia đình cô Hương đã không ít sinh viên các Trường Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên… đến tham quan và thực tập cuối khóa. Với cô, đó là niềm hạnh phúc lớn khi không còn đứng trên bục giảng nhưng vẫn được cống hiến cho nghề.

 

Mai Hương

 


Ý kiến bạn đọc