Multimedia Đọc Báo in

Người cựu binh già nặng lòng đi tìm đồng đội

06:51, 26/07/2021

Hơn 20 năm qua, với hành trang là những tập tư liệu, bản đồ, quyển sổ, cây bút, ông Nguyễn Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 25B3 đã đi khắp nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và lặn lội về từng chiến trường xưa để tìm kiếm, xác định danh tính cho những đồng đội đã ngã xuống.

Ngược xuôi tìm đồng đội

Năm 1970 theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Sương xung phong nhập ngũ, trở thành lính Trung đoàn 400 đặc công - B3 Tây Nguyên. Năm 1972, Trung đoàn 400 sáp nhập với một số đơn vị khác để thành lập Trung đoàn 25 đóng quân tại vùng hậu cứ H5 - Đắk Lắk, ông được phân công làm trợ lý chính sách và trợ lý cán bộ của Trung đoàn 25. Công tác của người trợ lý chính sách trong thời chiến có nhiệm vụ tổng hợp các tin báo từ chiến trường về số lượng binh sĩ tử trận, bị thương và ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán, cấp bậc, địa điểm hy sinh, tọa độ mai táng để có thông tin báo tử về địa phương, gia đình.

Có lẽ từ đây, nhiệm vụ ấy đã trở thành " mệnh lệnh của trái tim" khiến ông luôn trăn trở tìm kiếm đồng đội đã hy sinh đang còn nằm rải rác đâu đó dưới những cánh rừng, thác suối, đại ngàn và giữa những hàng mộ chí liệt sĩ tại các nghĩa trang vẫn còn chưa xác định được tính danh.

 
Hiện nay Trung đoàn 25 vẫn còn 81 đồng chí đã hy sinh đang còn nằm rải rác trên các chiến trường chưa được quy tụ. Việc tìm kiếm đồng đội, với tôi không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, lương tâm để sống trọn nghĩa, vẹn tình với những người đã ngã xuống…”.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sương

Đặc biệt, từ năm 1997, sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc thực hiện tâm nguyện của mình. Từ những ghi chép, tư liệu còn lưu giữ, ông liên hệ với các cơ quan chức năng địa phương tại các chiến trường năm xưa để nắm bắt về thông tin quy tập liệt sĩ của Trung đoàn. “Những tư liệu này là báu vật của tôi, để từ đó căn cứ đối chiếu, tìm kiếm, xác định danh tính các đồng đội đã hy sinh của mình…”, ông Sương chia sẻ.

Là “báu vật” có lẽ bởi để hệ thống được một cách rõ ràng, chi tiết danh sách gần 500 liệt sĩ của Trung đoàn (cả Trung đoàn 400 đặc công tiền thân và Trung đoàn 25), ông đã tổng hợp từ nhiều tư liệu, lặn lội tìm đến không biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh nơi Trung đoàn từng chiến đấu để đối chiếu, so sánh, bổ sung thông tin… với cả quá trình thời gian dài đằng đẵng. Là “báu vật” có lẽ cũng bởi chúng còn chất chứa trong mình những câu chuyện đầy nghẹn ngào, xúc động của những lần tiếp xúc với gia đình thân nhân liệt sĩ và cùng đồng hành đi tìm kiếm, cất bốc, tiễn đưa di hài liệt sĩ về nơi an nghỉ. Qua lời kể của ông, từng câu chuyện về những chuyến hành trình miệt mài cùng thân nhân tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Trương Công Hiển, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Gia Xuyến, Lâm Văn Huỳnh… với bao khó khăn bởi sự thay đổi của địa hình, không còn dấu vết trước kia nữa như hiện lên rõ nét và luôn đọng lại trong ông kỷ niệm khó phai.

Ông Võ Ngọc Sương nghiên cứu tài liệu xác định danh tính các liệt sĩ.
Ông Nguyễn Ngọc Sương nghiên cứu tài liệu xác định danh tính các liệt sĩ.

Hành trình "trả lại" tên các anh

Trải qua hành trình đi tìm đồng đội, một điều làm ông Sương luôn day dứt, đau đáu đó là vẫn còn nhiều đồng chí của mình còn chưa xác định được danh tính. Trung đoàn 25 có 376 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong các trận đánh, nhưng mới chỉ quy tập được 295 hài cốt về tại các nghĩa trang và trong số này có nhiều mộ chưa rõ tên. Dù biết có nhiều khó khăn, nhưng với sự thôi thúc từ trong tâm khảm, ông tiếp tục rà soát lại các thông tin và bắt đầu hành trình “trả lại” tên các anh. Gần 5 năm ông nghiên cứu, phân tích các tư liệu thu thập được để hệ thống lại một cách khoa học, logic, xác định khả năng các phần mộ chưa rõ thông tin đang an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh (98 mộ) và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cư M’gar (8 mộ) có đồng đội thuộc Trung đoàn 25. Tiếp đó là những chuyến ông tất tả, ngược xuôi liên hệ các cơ quan, ban, ngành chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình đề nghị làm giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ.

Với sự trách nhiệm, tích cực của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Viện Pháp y Quân đội, năm 2018, từng công việc của quá trình giám định được tiến hành: lấy mẫu hài cốt liệt sĩ; thông báo đến các tỉnh thành; lên danh sách, liên hệ với thân nhân liệt sĩ để chọn người lấy mẫu sinh phẩm làm mẫu đối chứng. Có 70 gia đình đã đến Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu, nhưng chỉ có 45 trường hợp lấy mẫu đạt chất lượng. “Kết quả đã xác định thành công danh tính liệt sĩ cho 34/45 gia đình. Đây là một con số rất đáng mừng, với tỷ lệ thành công lớn…”, ông Sương phấn khởi nói.

Từ những đóng góp tích cực của mình, ông đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong công tác giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh thời gian qua.

Lan Anh


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.