Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Ái Quốc và hành trình tìm đường cứu nước

09:49, 13/05/2011

1. Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: T.L)
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: T.L)

Vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp đã làm nảy sinh trong xã hội Việt Nam hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta diễn ra đa dạng, sôi nổi: phong trào có khuynh hướng dân chủ tư sản Đông Du, Đông kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang Phục hội; phong trào chống sưu thuế của nông dân ở Trung kỳ; phong trào đánh Pháp như: vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế… Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống Pháp trên đều thất bại. Nguyên nhân sâu xa là do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Giai cấp phong kiến, có vai trò tiến bộ nhất định trong lịch sử đã trở thành giai cấp phản động, bán nước, tay sai cho đế quốc. Giai cấp tư sản mới ra đời, còn non yếu với lực lượng kinh tế phụ thuộc và khuynh hướng chính trị cải lương, không có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến để giành độc lập tự do. Giai cấp nông dân và tiểu tư sản khao khát độc lập, tự do, hăng hái chống đế quốc và phong kiến, nhưng không thể vạch ra con đường giải phóng đúng đắn và không thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng. Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước.

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước. Từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước, nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Người cho rằng, chủ trương của cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương chẳng khác gì “đến xin giặc rủ lòng thương”; chủ trương của cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, chủ trương của cụ Hoàng Hoa Thám tuy thực tế hơn, nhưng không có hướng thoát rõ ràng, “còn mang nặng cốt cách phong kiến”. Thất bại của các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh … nói lên một sự thật lịch sử là: không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Các đường lối và phương pháp này đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống thế giới. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đang đòi hỏi được đổi mới, đó là một nhu cầu cấp thiết của dân tộc lúc bấy giờ.
Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Nguyễn Tất Thành bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” và thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn giấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó. Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước năm 1911.

2.Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc

Ngày 5-6-1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người, xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18-6-1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình. Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7-1920, Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.

Quá trình tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở Đại học Phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12-1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng… Việc Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản. Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Một trang mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.