Multimedia Đọc Báo in

Không để bệnh dại bùng phát

07:53, 17/05/2023

Hiện nay, thời tiết nắng nóng đang là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh dại trên chó, mèo, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gia tăng bệnh dại ở người. Các ngành chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm khống chế, không để bệnh dại bùng phát.

Liên tiếp các ca mắc và tử vong do dại

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm đều ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Riêng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Mới đây nhất là trường hợp cụ bà 78 tuổi, (ở buôn Jung 2, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) bị chó cắn vào ngón tay hồi tháng 12/2022, nhưng không tiêm vắc xin phòng dại, dẫn đến phát bệnh dại và tử vong vào ngày 9/5. 

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó tại xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC tỉnh, đáng quan ngại nhất của bệnh dại tại Đắk Lắk hiện nay là ngoài việc phát hiện bệnh nhân mắc dại và tử vong, qua xét nghiệm của ngành thú y còn phát hiện nhiều vi rút dại trên đàn chó. Điều này cho thấy nếu không quản lý tốt đàn chó thì việc khống chế bệnh dại trên người sẽ gặp khó khăn.

Hiện CDC tỉnh đã phối hợp với cơ quan thú y tham mưu ngành nông nghiệp và ngành y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên toàn tỉnh. Trước nguy cơ bệnh dại bùng phát, để làm tốt công tác phòng, chống bệnh dại, công việc quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường tiêm phòng cho đàn chó; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về quản lý đàn chó. Đồng thời cần có nguồn ngân sách để tiêm vắc xin phòng dại miễn phí cho một số đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Thực tế hiện có không ít trường hợp sau khi bị chó, mèo cào, cắn thì lại không tiêm vắc xin phòng bệnh dại mà chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc đông y dẫn đến phát bệnh và tử vong. CDC tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn người dân chủ động đến cơ sở y tế khi bị chó, mèo cào, cắn để được tư vấn, xử lý vết thương đúng cách, tiêm vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó, CDC tỉnh đã liên hệ với một hãng vắc xin và được tài trợ 1.000 liều vắc xin phòng dại để tiêm miễn phí cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, việc tiêm vắc xin phòng dại miễn phí đang được tổ chức tại phòng tiêm chủng của CDC tỉnh.

Quyết liệt ngăn chặn mầm bệnh dại

Ông Mai Xuân Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh là hơn 360 nghìn con (gồm trên 170 nghìn con chó và trên 190 nghìn mèo). Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tỷ lệ chó, mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh còn khá thấp. Năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 30% so với tổng đàn. Nguyên nhân là do tập quán nuôi chó, mèo thả rông trên nương rẫy, khó bắt giữ để tiêm phòng. Hơn nữa nhiều hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại nên chưa tích cực tham gia tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân về phòng chống bệnh dại ở ngưởi.

Trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai đợt tiêm phòng dại bắt buộc đối với chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Trong đợt tiêm này, các hộ dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo được tiêm miễn phí, các trường hợp khác chi phí tiêm phòng là 22.100 đồng/liều/con. Hiện 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn đang tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo kết hợp với tuyên truyền cho người dân hiểu được nguy cơ, tác hại của việc không tiêm phòng dại cho chó, mèo.

Để nâng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo, hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh dại, Đắk Lắk đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 đạt tỷ lệ tiêm phòng dại là 70% tổng đàn và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 80% tổng đàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hằng năm phải tiêm phòng bổ sung, ngoài chương trình tiêm phòng đại trà. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần phải làm tốt công tác quản lý nuôi chó, mèo; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân biết cách phòng bệnh cho đàn chó, mèo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, để thực hiện tốt việc phòng, chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần phải đăng ký, đồng thời phải nhốt vật nuôi trong khuôn viên gia đình. Khi thả chó, mèo ra ngoài đường thì phải rọ mõm, xích và có người dắt để đề phòng chó cắn người. Chủ nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định. Khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu bất thường phải nhốt cách ly để theo dõi và báo cho nhân viên thú y, chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất biết để phối hợp xử lý.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.