Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số “0 đồng”

08:20, 02/04/2023

Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025”, huyện Krông Pắc đã linh hoạt vận dụng, lồng ghép các giải pháp huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng đồng hành, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số của người dân, góp phần xây dựng và phát triển xã hội số rộng khắp từ địa bàn thuận lợi đến các thôn, buôn xa xôi, khó khăn.

Đưa hạ tầng Internet băng thông rộng về xã đặc biệt khó khăn

Toàn buôn Cư Drang (xã Ea Yiêng) có 168 hộ thì chỉ có 2 hộ lắp đặt đường truyền Internet băng thông rộng. Đa số bà con buôn Cư Drang là người Xê đăng, số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm đến hơn 80%. Chính bởi điều kiện kinh tế khó khăn, cái ăn, cái mặc còn chật vật, bà con chưa quan tâm nhiều đến các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ đời sống dù nhiều người đã có điện thoại thông minh.

Hơn một tháng qua, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở buôn Cư Drang vô cùng phấn khởi vì được Viettel Đắk Lắk Chi nhánh Krông Pắc kéo đường dây Internet băng thông rộng, hỗ trợ thiết bị đầu phát wifi đến tận nhà. Bà con không cần phải bỏ ra bất cứ chi phí nào, kể cả cước phí truy cập Internet hằng tháng. Gia đình chị Merry là một trong số đó. Chị phấn khởi cho biết, chất lượng đường truyền Internet rất ổn định, tốc độ nhanh hơn hẳn so với sử dụng mạng 4G. Từ khi có mạng wifi miễn phí, các con chị thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận các bài học trực tuyến. Vợ chồng chị cũng chủ động tìm kiếm các thông tin liên quan đến chính sách cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu các mô hình kinh tế hay để học hỏi.

Nhân viên Vietel Krông Pắc đến tận nhà chị Merry lắp đặt wifi theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 của Chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện Krông Pắc đã nhanh chóng triển khai mở rộng hạ tầng Internet băng thông rộng tại 3 xã vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

“Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực cùng tham gia phong trào thi đua chuyển đổi số từ những sáng kiến và sự chủ động, tích cực của từng cá nhân, tập thể, người dân, doanh nghiệp. Những nỗ lực ấy đang góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa địa bàn thuận lợi với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số của huyện Krông Pắc đến năm 2025" - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh.

Trong đợt I triển khai chương trình, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2023, hai đơn vị chủ công là Viettel Krông Pắc và VNPT Krông Pắc đã lắp đặt mạng wifi cho khoảng 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện tham gia. Ông Đặng Hữu Đông, Giám đốc Viettel Krông Pắc cho hay, toàn bộ chi phí ban đầu hiện vẫn do doanh nghiệp chủ động bố trí nhằm nỗ lực mang Internet tốc độ cao đến với bà con vùng đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần giúp bà con thay đổi cuộc sống bắt đầu những từ đổi thay trong tiếp cận thông tin số hóa.

Huy động nguồn lực từ cộng đồng

Với người dân thôn Tân Sơn (xã Ea Yông), suốt nhiều tháng qua, nhà văn hóa thôn là nơi bà con tìm đến khi cần sử dụng mạng wifi tốc độ cao miễn phí. Kinh phí thực hiện mô hình điểm truy cập Internet công cộng do các đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa phối hợp tài trợ cho các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Thôn trưởng Lăng Văn Tuyến chia sẻ, thôn Tân Sơn nằm cách xa trụ sở UBND xã, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên khi có điểm Internet công cộng, bà con thuận tiện hơn rất nhiều trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công mức độ 3, 4. Chỉ cần mang điện thoại thông minh đến hội trường thôn, quét mã QR trên bảng hướng dẫn do UBND xã Ea Yông cấp là đã có thể tiếp cận nhanh vào các dịch vụ công trực tuyến. Bà con còn chủ động quét mã QR tham gia vào nhóm Zalo hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến để đặt câu hỏi và được giải đáp các thắc mắc của mình. Cũng nhờ hội trường thôn có mạng wifi, ban tự quản thôn và các chi hội đoàn thể đã lồng ghép nội dung tuyên truyền chuyển đổi số ngay trong các buổi họp thôn, sinh hoạt chi hội. Hiệu quả hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng được nâng lên khi tiếp cận và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch điện tử.

Người dân thôn Tân Sơn (xã Ea Yông) sử dụng mạng wifi công cộng tại nhà văn hóa thôn để truy cập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến qua mã QR.

Từ thời điểm phát động thi đua chuyển đổi số vào ngày 10/10/2022 đến nay, bên cạnh việc đẩy mạnh thành lập và tổ chức tốt hoạt động của 249 tổ chuyển đổi số cộng đồng, các xã trên địa bàn huyện Krông Pắc còn tích cực vận động nhiều đơn vị kết nghĩa tài trợ điểm truy cập Internet công cộng cho các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là một giải pháp nhằm khuyến khích người dân tiếp cận với các tiện ích công nghệ số, tiến dần đến việc sử dụng thành thạo các tính năng của dịch vụ công trực tuyến, ngân hàng trực tuyến, thương mại điện tử…

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.