Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn sự học vùng sâu (Kỳ 2)

08:03, 21/11/2022

Kỳ 2: Ở trọ "nuôi" con chữ

Nhà cách xa trường, đường đi lại khó khăn, nhiều học sinh ở các trường, điểm trường địa bàn vùng sâu phải ở trọ để đi học. Ở cái tuổi “lo chưa tới”, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, các em không chỉ phải học kiến thức mà còn học cả sự tự lập trong cuộc sống nhiều thiếu thốn.

Những bữa cơm không thịt

Gần trưa nhưng bên trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư buôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vẫn tối om. Ngôi nhà chừng 20 m2, bốn bức vách và mái được thưng lợp bằng tôn. Ngoài mấy bộ giường tầng bằng sắt thì mọi vật dụng trong nhà đều sơ sài.

Đây là nơi ở của 20 học sinh điểm trường Ea Lang, Trường THCS Cư Pui. Đằng sau căn nhà tạm bợ ấy là khu vực bếp với những cái nồi nhỏ cũ kỹ, em Giàng Thị Pàng (học lớp 7A7) đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Cũng như các bạn, bữa ăn của em chỉ có cơm trắng với nồi canh rau, thỉnh thoảng mới có ít cá, thịt, trứng. Nhà em cách trường mấy quả đồi, đầu tuần lên nhà trọ, cuối tuần về nhà, ngày nắng thì bố mẹ chở, mưa thì đi bộ mất mấy tiếng.

Ở đây ngoài việc học, em phải tự chăm sóc bản thân, nấu ăn, giặt đồ. Thực phẩm mang đi học có gạo, mì tôm, thi thoảng mới có thêm ít cá khô. “Cháu nhớ nhà lắm nhưng đường xa không thể về, lúc đó chỉ biết nói chuyện hay chơi cùng các bạn”, Pàng thỏ thẻ.

Bữa trưa của các em học sinh Trường THCS Ea Lê, huyện Ea Súp.

Ở chiếc giường bên kia, chị em Vàng Thị Dí (lớp 8A4) và Vàng Seo Hai (lớp 6A7) đang tranh thủ ôn bài. Nhà ở “cổng trời” Ea Rớt, cách trường gần 10 km, nên từ lớp 6, hai chị em phải khăn gói ra thuê trọ đi học. Là chị, lại biết tự lập sớm nên Dí rất biết chăm sóc, chỉ bảo cho em học. Nhà trọ lợp mái tôn, lại không có quạt nên rất nóng, chỗ kê giường ngủ khi trời mưa bị dột, cô chị ngủ ở tầng trên, nhường phía dưới cho em. Vàng Thị Dí chia sẻ, em ở trọ năm thứ ba nên cũng quen với thiếu thốn, vất vả, nhưng vẫn mong muốn có nhà ở tốt hơn để yên tâm học tập.

 

Nếu nhà trường có được một khu nhà nội trú cho học sinh thì tốt biết mấy, các em sẽ được tập trung về một nơi, điều kiện sinh hoạt, học hành cũng tốt hơn, nhà trường cũng tiện quản lý các em ngoài giờ học”.

 
Thầy Võ Quốc Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui

Thầy Võ Quốc Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết, trường có 1.145 học sinh, trong đó, 97% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện có 40 học sinh của trường phải thuê trọ rải rác ở gần trường để đi học. Các em phải tự túc nấu ăn và tự lo tất cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Tuy còn thiếu thốn, vất vả nhưng học sinh biết giúp đỡ nhau và cố gắng học tập. Đa số các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy cô thường xuyên thay nhau kiểm tra, nhắc nhở các em nhưng không đủ để bù đắp cho sự thiếu thốn vật chất, tình cảm của học sinh. Nhà trường đã kêu gọi nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và kiến nghị ngành giáo dục, chính quyền bố trí kinh phí xây dựng nhà bán trú, để học sinh trọ học đỡ vất vả.

Lớn lên trong “ngôi nhà chung”

Lâu nay, dãy nhà nội trú tại Trường THCS Ea Lê (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) là “ngôi nhà chung” của nhiều học sinh trong trường. Các em đều là con em người dân di cư tự do, nhà cách xa trường, đường đi lại rất khó khăn. Em Đặng Mùi Pham (lớp 8A1) ở cách trường gần 30 km, từ lớp 6, em đã phải ở nội trú để thuận tiện cho việc học; mỗi tuần về nhà một lần để lấy gạo, tìm rau rừng mang lên; bình thường bữa ăn chỉ có cơm trắng với rau. Ở đây có hai khu vực cho học sinh nam và nữ, ở chung 5 - 10 em/phòng, mọi việc từ đều phải tự lo. “Em từng muốn bỏ học ở nhà phụ bố mẹ vì đường xa vất vả, cuộc sống khó khăn, nhưng được thầy cô quan tâm, bố mẹ động viên nên em cố gắng học để sau này thành người có ích”, em Đặng Mùi Pham bộc bạch.

Tương tự, từ đầu cấp 2, em Lý Chằng On (lớp 8A4) đã ở trọ lại trường để học. Nhà em ở cách trường hàng chục cây số, bố mẹ tất bật suốt ngày trên nương rẫy nên ít có thời gian quan tâm đến con cái. Ở chung cùng bạn, các em thay nhau nấu ăn, giúp nhau học bài. Thầy cô thay nhau hỗ trợ các em, kết hợp với dạy kỹ năng sống, do đó, học sinh ở đây đều tháo vát, đảm đang. Cũng như các bạn, On biết lo mọi thứ từ nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo. Không những vậy em còn học được tính tập thể, biết nhường nhịn, đoàn kết với các bạn trong phòng.

Nhà trọ của học sinh Trường THCS Cư Pui, huyện Krông Bông.

Thầy Nguyễn Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Lê cho hay, trường có 64 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiểu khu 249, cách điểm trường khoảng 20 - 30 km, phải ở nội trú. Các em chủ yếu là con em người Dao, Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào, đời sống đặc biệt khó khăn. Lâu nay, các em phải tự túc mang gạo, rau từ nhà tới trường để nấu ăn.

Từ tháng 12/2021, mạng lưới tình nguyện quốc gia và các nhà hảo tâm thực hiện “Dự án nuôi em”, hỗ trợ 8.500 đồng/em cho mỗi bữa ăn. Từ đó, các giáo viên sẽ ký hợp đồng mua thực phẩm bên ngoài và đi chợ để thay đổi món ăn hằng ngày như thịt, cá... Khi dự án kết thúc, các em trở lại cảnh "cơm không thịt" như trước đây. Chưa kể dãy nhà nội trú xây dựng từ nhiều năm trước hiện đã xuống cấp, quạt điện và các vật dụng khác hư hỏng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các em.

Thầy Đại cho biết thêm, mặc dù các em ăn ở tại trường nhưng lại không có chế độ trường nội trú. Các thầy cô vì tình yêu thương học trò đã thay nhau trông nom, nhắc nhở các em việc sinh hoạt, học hành và chăm lo những lúc ốm đau.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Ở đâu có học trò, ở đó có thầy cô

Anh Sơn – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.