Multimedia Đọc Báo in

Cần phát hiện và điều trị sớm chứng rối loạn tiền đình

06:56, 13/11/2022

Tiền đình là bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên, giữ vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh thăng bằng tư thế, dáng bộ và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình.

Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, đi đứng lảo đảo, ù tai, buồn nôn… Đây là chứng bệnh ngày càng phổ biến và đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng lao động trí óc, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động của người bệnh. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mức độ bệnh có thể nhẹ hoặc diễn biến khá nặng.

Theo các bác sĩ, có hai dạng rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình ngoại biên có biểu hiện là chóng mặt khi thay đổi tư thế, cơn chóng mặt thường thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có biểu hiện chóng mặt kéo dài, không thể đi đứng được, thậm chí không thể ngồi được mà phải nằm trên giường. Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp… Rối loạn tiền đình trung ương có những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não. Người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Nguyên nhân, do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch, các trường hợp bị hạ huyết áp tư thế, thoái hóa đốt sống cổ làm chèn ép mạch máu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiền đình trung ương.

Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và có hướng chữa trị thích hợp. Ảnh: Đình Thi

Trong xã hội hiện đại, rối loạn tiền đình càng trở nên phổ biến, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh lý này có liên quan đến yếu tố tuổi tác, giới tính, điều kiện môi trường sống và làm việc. Uớc tính có khoảng 35% người trên 40 tuổi ghi nhận tình trạng rối loạn tiền đình và hiện nay con số này đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gặp nhiều hơn ở nữ giới, những người làm việc hoặc sinh sống ở môi trường tiếng ồn lớn, căng thẳng, ít vận động hoặc thời tiết khó chịu khi chuyển mùa. Huyết áp thấp khiến lượng máu lên não không đủ cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Cơ thể bị nhiễm độc hóa chất, hoặc nhiễm độc do sử dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, tránh tái phát bệnh cần hạn chế ngồi nhiều trong phòng lạnh, ngồi lâu trước máy tính. Nên thư giãn khi phải ngồi lâu làm việc trong văn phòng bằng các bài tập cho vùng đầu, cổ gáy. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít nước một ngày. Rèn luyện thể dục thể thao hằng ngày. Chủ động giảm căng thẳng, lo âu. Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô bởi dễ bị chóng mặt. Không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh. Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc nếu thường xuyên bị choáng váng. Nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt.

Người bệnh cần lưu ý, chóng mặt, choáng váng thường xuyên là triệu chứng của một số bệnh lý trầm trọng; nếu kèm theo mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, mất thị lực, giảm thính giác… nên đi khám ngay vì ngoài rối loạn tiền đình, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng… Khi có những biểu hiện như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân để từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.