Multimedia Đọc Báo in

Thấp thỏm nỗi lo điện tự kéo ở xã vùng sâu

11:03, 09/07/2022

Hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã vùng sâu Cư Yang (huyện Ea Kar) phải sử dụng nguồn điện tự kéo, hoặc sống trong cảnh không có điện, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, phát triển kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn.

Thôn 11 (xã Cư Yang) có 67 hộ dân thì có đến 24 hộ phải dùng điện tự kéo từ nhiều năm nay. Hầu hết trụ điện được người dân sử dụng từ các loại cây gỗ tạp, đủ chủng loại, thậm chí để lâu ngày mục rỗng, chỉ cần một trận mưa lớn hoặc gió nhẹ thì khả năng gãy đổ là khó tránh khỏi. Thậm chí một số trụ chỉ bằng cổ tay, dây điện được kéo rất sơ sài, sà xuống mặt ruộng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện giật, chập cháy từ đường dây.

Chị Phan Thị Bộ (người dân thôn 11) than vãn, nhà chị từ tỉnh Lạng Sơn vào Cư Yang sinh sống cũng khoảng 40 năm, nhưng mãi đến năm 2009 gia đình chị và một số hộ dân mới chia nhau mỗi nhà đóng 2,5 triệu đồng để kéo đường điện về sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Do đường điện tự kéo nên nguồn điện chập chờn, nhất là vào giờ cao điểm khoảng 17 - 18 giờ hằng ngày thì hầu hết thiết bị điện đều không sử dụng được. Dẫu vậy, hằng tháng gia đình chị cũng phải chi trả hơn 400 nghìn đồng tiền điện, bao gồm cả chi phí sinh hoạt và hao hụt đường dây.

Trụ điện ở thôn 11 sử dụng lâu ngày bị mục rỗng.

Theo chị Bộ, biết việc dùng điện tự kéo là nguy hiểm, nhưng “méo mó có hơn không” nên gia đình chị cũng như các hộ dân khác cũng phải đành chấp nhận. Chị mong rằng Nhà nước sớm quan tâm, hỗ trợ đầu tư điện lưới quốc gia vào tới thôn 11 và các thôn khác trong xã để các hộ dân được sử dụng nguồn điện ổn định và an toàn hơn.

Tại thôn 10, tình trạng người dân sử dụng điện tự kéo cũng khá phổ biến. Anh Chu Văn Dai, một người dân nơi đây cho hay, hơn 30 năm nay do chưa có điện lưới quốc gia nên gia đình phải dùng điện tự kéo. Điện yếu, hầu như anh chỉ sử dụng những đồ dùng cần thiết như nấu cơm, bóng đèn thắp sáng và quạt điện vào mùa nắng nóng. Tuy vậy, mỗi buổi chiều dù chỉ nấu một nồi cơm nhỏ đủ cho một mình ăn, nhưng ngày nào anh cũng phải tranh thủ cắm điện nấu từ sớm; còn nước tưới cho cây cối thì không thể dùng mô tơ điện.

Cách nhà anh Dai khoảng 2 km, hộ chị Hoàng Thị Dụng (thôn 10) sống trong cảnh kham khổ vì không có điện từ hơn 20 năm nay. Chị chia sẻ, năm 1998, gia đình chị vào Cư Yang với hy vọng cuộc sống đầy đủ hơn ở quê nhà, nhưng vào đây được 24 năm vẫn sống trong cảnh “tối lửa tắt đèn”. Được biết, chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, nhiều năm qua năm mẹ con chị sống nương tựa vào nhau. Bao nhiêu năm qua chị chỉ mua một bình ắc quy, hằng tuần đến xin nhờ hàng xóm sạc điện, chủ yếu để thắp sáng bóng điện khi trời tối. Khổ nhất vào mùa khô, không có điện, không có quạt nên cả mấy mẹ con rất chật vật sinh hoạt trong căn nhà tạm bợ chỉ rộng chừng 50 m2.

Một trụ điện ở thôn 9, xã Cư Yang chỉ bằng cổ tay người lớn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trịnh Thị Cúc, cán bộ Văn phòng – Thống kê UBND xã Cư Yang cho biết, toàn xã có 1.762 hộ, với 7.894 nhân khẩu; trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào đây sinh sống. Hiện nay toàn xã có khoảng 35 - 38% hộ dân được sử dụng nguồn điện an toàn, 50% số hộ sử dụng điện tự kéo, còn lại chưa có điện. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm quan tâm, bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hệ thống lưới điện tại các thôn chưa có điện hoặc đang dùng điện tự kéo để người dân được sử dụng nguồn điện ổn định, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế.

Hoàng Tuyết  – Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc