Multimedia Đọc Báo in

“Thấp thỏm” nỗi lo điện tự kéo ở xã Buôn Triết

08:47, 29/07/2022

Đã nhiều năm nay, cả trăm hộ dân ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) phải sử dụng đường dây điện tự kéo về phục vụ sinh hoạt, khiến hệ thống đường điện nơi đây tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Chỉ tay về phía những cây trụ gỗ èo uột, xiêu vẹo và những đường dây điện đang chùng xuống sát ruộng khoai, chị H’Ang Sruk (ở buôn Lách Rung) than thở: “Do nhà ở cách xa trụ điện chính gần 1 km, nhà không có tiền nên chúng tôi phải vào rừng chặt cây dựng trụ điện, vay mượn tiền để mua dây điện rồi kéo điện từ ngoài cột chính vào để có điện sinh hoạt. Chuyện này đã xảy ra hơn 10 năm trở lại đây rồi nên giờ chúng tôi chỉ muốn cấp trên hỗ trợ làm trụ điện bê tông và đường dây điện để người trong buôn được sử dụng điện ổn định và an toàn hơn”.

Trụ và đường dây điện tạm bợ do người dân ở buôn Lách Rung tự kéo.

Chị Nguyễn Thị Lành, Trưởng buôn Lách Rung cho biết: Buôn Lách Rung có khoảng 155 hộ, trong đó khoảng 60 hộ còn phải dùng đường dây điện tạm bợ. Chưa kể, đường dây điện của các buôn khác còn kéo chồng chéo ngang qua địa bàn buôn Lách Rung nên rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Hiện trạng này xảy ra đã lâu, người dân kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo quan sát thực tế cho thấy, hầu hết trụ điện được người dân trong buôn Lách Rung sử dụng đều là trụ gỗ tạp, qua thời gian sử dụng bị mục, nghiêng đổ, nhiều đoạn dây điện sà xuống ruộng lúa, khoai của người dân. Bằng mắt thường có thể thấy rõ, tất cả các trụ điện đều không đủ tiêu chuẩn, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Thậm chí một số trụ chỉ bằng cổ tay, dây điện được kéo rất sơ sài, sà xuống mặt ruộng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện giật, chập cháy từ đường dây.

Những trụ điện tạm bợ do người dân tự kéo từ trụ chính vào buôn Ja Tu.

Tương tự, đã nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở buôn Jơ Tu cũng đang phải sử dụng nguồn điện tự kéo, không bảo đảm an toàn. Anh Y Mek Byă, cán bộ Mặt trận buôn Jơ Tu cho hay: Hiện tại trong buôn còn 41 hộ tự kéo điện từ trụ chính vào nhà để sinh hoạt, sản xuất. Do trụ điện chính cách xa nên người dân chỉ biết dùng những cây gỗ dựng làm trụ tạm để kéo điện. Qua thời gian sử dụng thì cây bị mục ruỗng, xiêu vẹo khiến dây điện chùng xuống ruộng rất dễ gây nguy hiểm cho người dân.

Nhiều lần, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri các cấp, ban tự quản buôn đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước sớm đầu tư trụ và đường dây để người dân yên tâm sinh sống, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết, bà con trong buôn vẫn phải dùng điện tự kéo tạm bợ, nguồn điện không ổn định, trong khi đó tiền điện hằng tháng các gia đình phải chi trả rất cao.

Như chia sẻ của anh Y Sơn Du (ở buôn Ja Tu), gia đình anh phải hùn tiền với 2 hộ khác mua khoảng 700 m dây để kéo điện từ trụ chính vào nhà, khoảng 5 - 6 tháng thì phải đi chặt cây để thay trụ do cây bị mục, gãy đổ. Do cách xa trụ chính, đường dây lại không được bảo đảm, lượng điện bị hao hụt nhiều nên tiền điện phải trả khoảng 500 nghìn đồng/tháng, trong khi chỉ sử dụng điện phục vụ nhu cầu cơ bản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết: Hai buôn Lách Rung và Ja Tu là buôn đặc biệt khó khăn của xã, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Do đặc thù địa hình, điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn nên một số hộ gia đình phải tự chặt cây làm trụ để kéo điện từ trụ chính vào nhà, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện.

Trước mắt, trong mùa mưa năm nay, UBND xã đã chỉ đạo bộ phận địa chính, xây dựng đi kiểm tra tình hình thực tế và tham mưu cho xã nhằm có kế hoạch để ứng phó; tuyên truyền, vận động người dân thay thế những trụ điện đã bị mục nhằm đảm bảo an toàn. UBND xã cũng đề nghị Điện lực Lắk quan tâm, tạo điều kiện nhằm đưa đường điện ở vùng sâu, vùng xa tới gần hơn với người dân; sớm có phương án đầu tư lưới điện hạ thế để các hộ dân ở khu vực này được sử dụng điện an toàn, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.  

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.