Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho vấn nạn học sinh “ngồi nhầm lớp”?

08:45, 29/07/2022

Nguyên nhân nhiều học sinh bị “ngồi nhầm lớp” trước hết là bởi áp lực các chỉ tiêu do nhà trường đã đăng ký, đặc biệt là chỉ tiêu lên lớp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm được áp lực này?

Cựu giáo chức Hồ Phi Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Cư Kuin, có thâm niên làm công tác quản lý nhiều cơ sở giáo dục ở huyện Cư Kuin cho biết: Bước vào năm học mới, nhà trường, giáo viên đứng trước áp lực về đăng ký các danh hiệu thi đua; và các chỉ tiêu thường do cấp trên áp xuống.

Cuối năm học, nếu không đạt chỉ tiêu (như chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, chỉ tiêu điểm số các môn học chính, chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu phổ cập giáo dục…) thì giáo viên, tổ bộ môn, lãnh đạo, nhà trường không đủ tiêu chí đạt danh hiệu thi đua đã đăng ký đầu năm. Đặc biệt, riêng chỉ tiêu lên lớp (lên lớp thẳng và lên lớp sau khi thi lại) mà không đạt thì các thành tích đều “bay” sạch! Vì vậy nhiều trường tìm mọi cách “thiết kế” để đạt các chỉ tiêu đề ra, trong đó khó nhất là chỉ tiêu lên lớp.

Không thể “cấy” điểm học bạ hoặc nâng khống điểm trong bài thi, giải pháp thường là tổ chức phụ đạo cho những học sinh yếu kém để thi lại, không đạt thì phụ đạo, thi lần 2, lần 3… Phụ đạo nhiều cũng mệt, nên nhiều giáo viên tặc lưỡi tìm cách cho đủ điểm lên lớp, vừa khỏe mình, vừa được lòng lãnh đạo trường. Thông thường nhất là cách ra đề có nhiều câu dễ để học sinh đạt điểm trung bình một cách hợp pháp.

Có thể nói, chỉ tiêu lên lớp là nguyên nhân gây ra tình trạng “ngồi nhầm lớp”, nó gây ra áp lực nặng nhất cho nhà trường và giáo viên. Cần hiểu rõ một thực tế: chất lượng học sinh luôn không ổn định, không phải năm nào cũng như năm nào, không phải trường nào cũng như trường nào; học sinh “cá biệt”, yếu kém cũng nhiều dạng khác nhau, trong khi vai trò của giáo viên có giới hạn nên không thể có chỉ tiêu lên lớp rập khuôn giống nhau giữa nhiều trường.

Những học sinh gặp khó khăn trong học tập được cô Hiền bố trí ngồi bàn trên để tiện việc kèm cặp.
Những học sinh gặp khó khăn trong học tập được giáo viên Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) bố trí ngồi bàn trên để tiện việc kèm cặp. (Ảnh minh họa: Tùng Lâm)

Những học sinh yếu được tạo cơ hội thi lại mà không thể đạt yêu cầu thì đó là rủi ro ngoài ý muốn, không phải lỗi của giáo viên, của nhà trường. Những trường hợp này cần phải cho lưu ban cũng là bình thường (quy định của ngành giáo dục mỗi học sinh được quyền lưu ban tới 3 lần trong một cấp học).

Nếu nhà trường kiên quyết, học sinh sẽ lo lắng mà cố gắng, phụ huynh sẽ có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, kiểm tra nhắc nhở con cái. Còn nếu nhà trường dễ dãi, học sinh không cần cố gắng vì “thế nào cũng được lên lớp”. Chỉ tiêu lên lớp như “con dao hai lưỡi” cần được nghiên cứu xem xét lại để giảm áp lực đối với giáo viên và nhà trường.

Một vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay là, làm sao để truy tìm được những học sinh “ngồi nhầm lớp” để “lấp lỗ hổng” kiến thức cho các em? Những trường đã lỡ nhận các danh hiệu thi đua, nên rất khó tự “khai” ra thành tích “ảo” của mình. Chỉ còn trông chờ các cấp quản lý giáo dục, chính quyền các địa phương với trách nhiệm đối với sự nghiệp “trồng người” cao cả mà có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Thiết nghĩ, trước hết về quan điểm nhìn nhận sự việc, có thể coi đây là vấn đề có tính “lịch sử”, không nên “hồi truy” người gây ra lỗi, cũng không thu hồi các danh hiệu, thành tích đã được công nhận. Từ đó yêu cầu các trường nắm chắc chất lượng thật của học sinh trường mình để xây dựng kế hoạch bổ sung kiến thức cho các em yếu kém một cách căn cơ, chứ không phải tập trung nhồi nhét trong mấy ngày nghỉ hè.

Bởi nhận thức là một quá trình lâu dài, và muốn biến kiến thức mới thành kỹ năng cũng phải trải qua quá trình rèn luyện. Đặc biệt, cần tập trung quan tâm nhiều hơn cho cấp tiểu học, trong đó có việc bàn giao học sinh giữa cấp tiểu học và THCS, vì tình trạng “ngồi nhầm lớp” ở các cấp học có nguyên nhân bắt đầu từ đây.

Ngoài ra, các địa phương với tư cách là người chi ngân sách đầu tư cho giáo dục cần xác định phải thu về sản phẩm “chính phẩm” để phục vụ một cách thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương mình. Không nên vì áp lực thành tích nào đó mà yêu cầu nhà trường cho học sinh yếu kém lên lớp bằng mọi giá, bởi vì chất lượng học tập còn gắn liền với tương lai của con em địa phương mình.

Việc duy trì phong trào thi đua “hai tốt” trong nhà trường là rất cần thiết, nhưng làm sao để bảo đảm phong trào phải đi vào thực chất, hiệu quả; chất lượng của thầy và trò đều phải thật, không phô trương hình thức…, ngành giáo dục nên căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế địa phương mà có những cách làm sáng tạo phù hợp. 

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.