Multimedia Đọc Báo in

“Siết” việc phân lô đất nông nghiệp: Tại sao chưa thực hiện?

06:50, 12/04/2022

Hiện nay chưa có quy định về việc cấm phân lô đất nông nghiệp, song việc tạm dừng hoạt động này là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại nhằm "siết" tình trạng xé nhỏ đất nông nghiệp.

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của TP. Buôn Ma Thuột tổ chức vào cuối tháng 3/2022, lãnh đạo một xã vùng ven thành phố băn khoăn về thực trạng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn.

Vị lãnh đạo này cho rằng, theo quy định, vẫn cho phép việc phân lô trên đất nông nghiệp đối với diện tích từ 500 m2 trở lên. Do vậy các nhà đầu tư gom đất, rồi tiến hành mở đường, phân lô và tiến hành giao dịch dẫn đến khó khăn trong xử lý vi phạm. Nên chăng có biện pháp hạn chế việc tách thửa đất nông nghiệp trong thời điểm hiện nay, còn không thì việc quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương cực kỳ khó khăn.

Với địa bàn rộng khoảng 4.200 ha, trong đó hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, mà nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào việc mua bán đất nông nghiệp, chứ không có người dân nào đi mua một thửa nhỏ tầm 500 m2 để canh tác, sản xuất. Thực tế, việc tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp đã được một số tỉnh thành, địa phương trên phạm vi cả nước triển khai.

Đơn cử như cuối tháng 1/2022, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất nhưng thực chất là "biến tướng" để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn.

Tương tự, nhằm “siết” hoạt động đầu cơ bất động sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Một lô đất nông nghiệp ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được nhà đầu tư dọn sạch cây để tạo mặt bằng sạch.

Dù các biện pháp này chỉ là tạm thời, nhưng trước mắt, các địa phương nói trên ít nhiều đã hạn chế được giao dịch mua bán đất nền, nhất là đất nông nghiệp.

Theo ý kiến của các chuyên gia bất động sản, việc áp dụng các biện pháp mạnh như trên là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Bởi nếu thị trường đất nền phát triển nhưng theo hướng tràn lan, tùy tiện để đầu cơ, trục lợi thì sẽ không mang lại lợi ích, thậm chí còn tạo nên tình trạng “sốt đất”.

Hệ lụy đáng bàn nữa là hầu hết các khu đất phân lô, bán nền sau thời gian mua đi bán lại nhộn nhịp đều bị bỏ hoang, không được canh tác, sản xuất dẫn đến hoang hóa, lãng phí tài nguyên… Chưa kể hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến các quy hoạch của địa phương sở tại.

Ở Đắk Lắk, tình trạng mở đường, tách thửa, nhất là với đất nông nghiệp đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương, mà “nóng” nhất là ở TP. Buôn Ma Thuột. Do đó, biện pháp tạm dừng tách thửa đối với đất nông nghiệp đang được thành phố xem xét, tính toán để thực hiện trong thời gian tới nhằm ngăn chặn tình trạng mở đường, phân lô, đầu cơ gây tình trạng “sốt đất”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc