Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến mới để chấm dứt du lịch cưỡi voi

07:14, 27/04/2022

Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng vừa trình Sở NN-PTNT xin ý kiến góp ý dự thảo Văn kiện dự án: Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.

Văn kiện này do Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng cùng Tổ chức Động vật châu Á (AAF) xây dựng với mục tiêu chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi và chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; bảo vệ và bảo tồn đàn voi nhà; đảm bảo sinh kế cho các tổ chức, cá nhân có voi đang tham gia du lịch khi tham gia mô hình du lịch mới, thân thiện với voi; giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng về công tác bảo tồn voi.

Một cá thể voi được tự do đi lại trong rừng sau khi thời gian dài chở khách du lịch.
 

Tại Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và AAF ngày 15/12/2021, ông Tuấn Bendixsen, Trưởng Văn phòng dự án của AAF tại Việt Nam cho biết, sẽ hỗ trợ, đồng hành với tỉnh Đắk Lắk trong công tác bảo tồn voi. Ông mong muốn UBND tỉnh hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ, chăm sóc những cá thể voi nhà, từ đó tạo điều kiện, cơ hội cho voi sinh sản.

Trước đó, AAF đã cam kết tài trợ không hoàn lại 2.230.000 USD để thực hiện dự án trên tại địa bàn huyện Buôn Đôn và Lắk trong thời gian 5 năm  (2022 - 2026). Dự án Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi được đưa ra trong bối cảnh số lượng voi nhà tại Việt Nam hiện nay chỉ còn không quá 81 cá thể, trong đó Đắk Lắk có 37 cá thể quản lý riêng lẻ, mục đích chủ yếu phục vụ du lịch, có khả năng sinh sản thấp và hầu hết đã lớn tuổi nên nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Việc chuyển đổi mô hình du lịch từ cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi giúp giải quyết được các vướng mắc về phúc lợi cho voi và kinh tế cho các hộ gia đình và tổ chức nuôi voi trong việc sử dụng voi để phục vụ du lịch. Đồng thời, cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội trong việc nâng cao ý thức người dân về quản lý, chăm sóc, đảm bảo phúc lợi cho các loài động vật đang được quan tâm và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng cho biết, mô hình du lịch thân thiện với voi đã được thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Yok Đôn từ năm 2018 (dưới sự tài trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật… của AAF) và đã tạo được tiếng vang nhất định, phần nào đã giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng người dân nói chung và các cá nhân, tổ chức nuôi voi nói riêng trong việc quản lý, chăm sóc, sử dụng voi khai thác du lịch.

Mô hình du lịch voi thân thiện đang được triển khai tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Những năm qua, AAF luôn quan tâm hỗ trợ cả về nhân lực, kinh phí, kỹ thuật… cho công tác bảo tồn voi tại tỉnh nhà với nhiều dự án như: Dự án bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2018; Dự án hỗ trợ kỹ thuật nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk giai đoạn 2018 - 2021…

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.