Multimedia Đọc Báo in

Người già buôn Tliêr nỗ lực giữ nghề dệt thổ cẩm

07:07, 22/03/2024

Buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) hiện có 188 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê sinh sống. Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm đang ngày càng mai một, những nghệ nhân, những người già ở buôn Tliêr vẫn nỗ lực giữ nghề…

Đã gần bước sang tuổi 80, lưng còng sức yếu song bà H’Dit Byă (tên thường gọi là Aduôn Soan) vẫn miệt mài với khung dệt của mình. Bà kể, trước đây trong buôn Tliêr hầu như phụ nữ nào cũng biết dệt thổ cẩm, bởi con gái Êđê ngày xưa phải biết dệt, áo, khố và chăn thổ cẩm thì mới được lấy chồng. Bản thân bà H’Dit được bà ngoại của mình dạy dệt và thêu thùa từ năm 14 tuổi, từ đó đến nay gần như cả cuộc đời bà gắn liền với khung dệt. Giờ đã có tuổi, mắt kém và tay yếu nên bà không thể dệt nhanh như ngày trước được song hằng ngày bà vẫn vừa trông cháu, vừa dệt vải với mong mỏi duy trì nghề truyền thống của ông bà mà mình đã được trao truyền.

Aduôn Soan thường dệt váy, áo, khố hay chăn thổ cẩm để tặng cho con cháu; dệt chăn thổ cẩm để làm sính lễ cưới chồng cho con gái, cháu gái bà và dệt tấm chăn địu em bé. Bà có đến 11 người con, trong đó có 8 đứa con gái. Đồ thổ cẩm làm sính lễ hỏi chồng cho con gái đều do bà tự tay dệt. Ngoài ra, bà còn nhận dệt chăn, khố, váy, áo cho những người có nhu cầu đặt. Thường một tấm chăn bà bán được từ 1 - 2 triệu đồng, một bộ áo khố nam và váy áo nữ bà bán từ 0,5 - 1 triệu đồng tùy kích thước khác nhau.

Aduôn Soan bên khung dệt.

Aduôn Soan rất lo lắng bởi ngày càng ít người biết dệt thổ cẩm và việc sử dụng đồ thổ cẩm cũng không nhiều. Trong buôn Tliêr bây giờ chỉ còn khoảng 6 - 7 người biết dệt, song chỉ còn ba người có thể dệt được các loại hoa văn truyền thống và hoa văn cổ của người Êđê.

Bà H’Chơ Byă (tên thường gọi Aduôn Hrưn) cũng là một trong số ít những phụ nữ tại buôn Tliêr biết dệt thổ cẩm và tạo hoa văn cổ của dân tộc mình. Những tấm vải do bà dệt có những đường nét hoa văn sắc sảo, tinh tế và đậm nét. Năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi nên Aduôn Hrưn chỉ ở nhà trông cháu, làm việc nhà, thỉnh thoảng dệt vải lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Aduôn Hrưn tâm sự: Bà rất muốn truyền lại nghề dệt của mình cho những đứa cháu gái của mình nhưng tụi nó chẳng tha thiết với nghề này và độ tiếp thu rất chậm. Trong buôn ngày xưa có hàng chục phụ nữ dệt vải nhưng giờ thì hầu như chẳng còn ai.

Lo sợ nghề dệt truyền thống trong buôn mai một cũng là nỗi niềm trăn trở của Trưởng buôn Y Biêr Êban. Ông Y Biêr cho hay: Lớp trẻ bây giờ không một ai biết đến nghề thống này. Mỗi khi đến dịp lễ hội, họ lại đi mượn những nhà có đồ truyền thống để mặc, toàn những bộ đồ được cách tân từ chất liệu vải khác. Vì vậy, ông rất tha thiết được tạo điều kiện để mở những lớp truyền dạy nghề dệt ngay trong buôn để lớp trẻ được tiếp cận với nghề dệt thổ cẩm và yêu hơn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chuyên Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.