Multimedia Đọc Báo in

Nét văn hóa Tây Nguyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

08:02, 29/04/2023

Tham gia sinh hoạt ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (đóng tại Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) từ năm 2016, các nghệ nhân người Êđê của tỉnh đã và đang góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Hiện nay có 8 nghệ nhân đang tham gia sinh hoạt hằng ngày tại Làng. Đây là những nghệ nhân đến từ khắp các địa phương trên cả tỉnh, am hiểu về văn hóa, truyền thống của đồng bào Êđê, biết dệt thổ cẩm, hát Ayrei, chơi nhạc cụ truyền thống, làm rượu cần, nấu các món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên...

Các nghệ nhân sinh hoạt trong nhà dài Êđê dài hơn 50 m được phục dựng tại Làng, trong nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk như ghế kpan, ché cổ, trống cổ, không gian cồng chiêng, cột gưng, đinh năm, gùi, trang phục truyền thống... Hằng ngày, các nghệ nhân sẽ dệt vải, luyện tập và biểu diễn dân ca, dân vũ, hát dân ca Êđê, múa xoang, diễn cồng chiêng; giới thiệu sản vật của Đắk Lắk như cà phê, ca cao... khi có du khách ghé thăm.

Du khách giao lưu với nghệ nhân Êđê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo hình thức luân phiên, ký hợp đồng với Ban Quản lý Làng, các nghệ nhân có thể thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng khi đến với Làng, mỗi nghệ nhân đều trở thành một “đại sứ văn hóa”, “đại sứ du lịch”, giới thiệu nền văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh, con người Đắk Lắk nói chung và của dân tộc Êđê nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan tại đây.

 

“Tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ cụ thể để các nghệ nhân tiếp tục nâng cao hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu và phát huy lợi thế không gian được bố trí tại Làng, để giới thiệu cho bạn bè, du khách, trong nước và quốc tế về hình ảnh người Đắk Lắk tại nơi đây” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Sinh hoạt tại Làng từ năm 2020, nghệ nhân H’Năm Niê bày tỏ: “Tôi và các nghệ nhân rất hạnh phúc vì được chọn và sinh hoạt thường xuyên tại Làng. Nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Dù xa buôn làng nhưng chúng tôi vẫn được sống trong không gian văn hóa của dân tộc Êđê, của Tây Nguyên. Hằng ngày được đón tiếp những vị khách, chúng tôi giới thiệu đến họ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, quảng bá rộng rãi hình ảnh của Đắk Lắk, không những ở trong nước mà cả bạn bè quốc tế biết đến mảnh đất Tây Nguyên giàu đẹp”.

Bởi vậy, du khách đến với không gian văn hóa Êđê ở Làng không chỉ bị thu hút bởi những giá trị văn hóa thể hiện qua các hiện vật, hình ảnh mà còn ở chính câu chuyện, tinh thần của các nghệ nhân, những con người Êđê nơi đây. Lắng nghe khúc hát dân ca, xem các nghệ nhân dệt vải, nấu ăn, nhìn những hành động, việc làm như cách sinh hoạt ở chính buôn làng, giúp du khách như được hòa mình vào đời sống thường ngày của đồng bào Êđê một cách chân thực; cảm nhận được sự chân thành, gần gũi, dễ mến của người Đắk Lắk; qua đó hiểu thêm về văn hóa của dân tộc Êđê, Đắk Lắk nói riêng và các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Đó là một trong những trải nghiệm ý nghĩa, thú vị cho du khách khi tham quan tại Làng.

Đến tham quan Làng, du khách Phạm Thị Thu Huyền đến từ Hải Phòng bày tỏ sự thích thú: “Qua đọc sách báo, tôi khá ấn tượng và mong muốn tìm hiểu thêm về Tây Nguyên, về văn hóa cồng chiêng, về con người thân thiện, ấm áp, những nét rất riêng; không ngờ lại được tìm hiểu ngay tại Làng. Từ việc tham khảo một số hoạt động này, thời gian tới tôi sẽ chọn Đắk Lắk trong hành trình du lịch, khám phá của mình”.

Các nghệ nhân Êđê tại Làng đang dệt vải.

Ngoài những hoạt động hằng ngày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Làng, thường xuyên tái hiện các lễ hội truyền thống, nghi lễ đặc sắc của các dân tộc tại Đắk Lắk như Lễ mừng nhà mới, Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cưới truyền thống, Lễ cúng sức khỏe, Lễ mừng cơm mới… Mới đây nhất, trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), đội nghệ nhân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cùng với nghệ nhân Êđê tại Làng đã tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Êđê và trình diễn diễn tấu cồng chiêng, dân ca, dân vũ, phản ánh văn hóa tín ngưỡng dân gian, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Êđê. Buổi lễ tái hiện diễn ra tại không gian nhà dài Êđê đã thu hút đông đảo du khách đến theo dõi và tìm hiểu; góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Êđê nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.

Các chương trình mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời hướng tới mục tiêu khai thác du lịch gắn với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong chuyến đến thăm Làng vào đầu năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đánh giá cao những kết quả mà các nghệ nhân đạt được trong thời gian qua, bày tỏ mong muốn các nghệ nhân tiếp tục “giữ lửa” để giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê cho du khách trong và ngoài nước. Theo ông Trịnh Ngọc Trung (Ban Quản lý Làng), thời gian tới, các nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk nên quảng bá thêm về tài nguyên du lịch, cung cấp thông tin các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch của tỉnh để giới thiệu với du khách gần xa khi đến với Làng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc