Multimedia Đọc Báo in

Kiến trúc Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng đất nước

09:05, 27/04/2023

Trải qua 75 năm (27/4/1848 - 27/4/2023) xây dựng và trưởng thành, đội ngũ kiến trúc sư (KTS) Việt Nam luôn đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Giai đoạn từ 1945 đến 1975

Năm 1925, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, nhiều sinh viên Việt Nam được tuyển vào học ngành Mỹ thuật và Kiến trúc. Đến những năm 30 của thế kỷ XX, những KTS đầu tiên (khoảng 70 người) của trường tốt nghiệp đã chính thức tham gia sáng tạo kiến trúc, mà trước đó lĩnh vực này chỉ do các KTS người Pháp đảm nhận. Những công trình dưới dạng biệt thự, nhà phố, công trình công cộng... do KTS Việt Nam thiết kế được xây dựng ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một vài đô thị khác của Việt Nam khi đó được xã hội và giới trí thức đương thời đón nhận.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một giai đoạn mới của nền kiến trúc Việt Nam, mà khởi đầu là công trình Lễ đài Độc Lập do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế và chỉ huy lắp dựng tại Quảng trường Ba Đình chỉ trong một ngày đêm (1/9/1945).

tt
Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế.

Tháng 12/1946, nhiều KTS đã từ bỏ đô thành lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Tháng 4/1948, Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam (nay là Hội KTS Việt Nam) đã diễn ra tại làng Thản Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lập Thạch dưới chân núi Tam Đảo (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau Hội nghị, các KTS thế hệ đầu tiên của Hội KTS Việt Nam đã tích cực đem tài năng của mình phục vụ cách mạng, nhân dân. Những công trình kiến trúc được xây dựng bằng gỗ, tre, nứa lá tại chiến khu Việt Bắc, các vùng tự do như: Nhà Thông tin, Trạm Y tế, Trụ sở Ủy ban Hành chính... đã ghi dấu những thành tựu đầu tiên của ngành kiến trúc cách mạng non trẻ. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, các KTS từ chiến khu Việt Bắc trở về, tham gia tiếp quản Nhà Kiến trúc của chế độ cũ.

Giai đoạn 1954 - 1975, ở miền Bắc, kiến trúc được sáng tác theo xu hướng hiện đại tiền kỳ và hiện đại, không cầu kỳ phô trương như: Lễ đài Ba Đình bằng gỗ -1955, Lễ đài Ba Đình bằng gạch, bê tông -1960, Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch -1958; Hội trường Ba Đình -1962; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình -1975…

Ở miền Nam, cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra khốc liệt, các công trình tuy chỉ được xây bằng vật liệu tại chỗ như tre, nứa, gỗ, kiến trúc giản dị, thi công đơn giản nhưng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng và phục vụ kháng chiến. Tại Sài Gòn và một số đô thị lớn, các KTS cũng đã thiết kế nhiều công trình có giá trị như: Dinh Độc Lập-1966; Thư viện Quốc gia Sài Gòn-1972; Cư xá Thanh Đa-Sài Gòn…

Giai đoạn từ 1976 - 1986

Giai đoạn 1976 - 1986, đất nước bước vào thời kỳ khó khăn bởi hậu quả nặng nề do chiến tranh gây ra. Ngoài tập trung cho các công trình trọng điểm của quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Apatit Lào Cai... và phục hồi những công trình trọng điểm bị đánh phá hư hại do chiến tranh thì nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng mới rất hạn chế.

Tuy vậy, vẫn có nhiều công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc được xây dựng tạo nên một xu hướng kiến trúc hiện đại giản dị như: Bảo tàng Hùng Vương Phú Thọ - 1980; Bưu điện Quảng Ninh - 1986; Viện Xã hội học Campuchia - 1989; Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô ở Hà Nội - 1975...

tt
Công trình thủy điện Hòa Bình công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, kiến trúc Việt Nam vẫn đạt được nhiều giải thưởng cao quý của quốc tế như: năm 1979, tại cuộc thi “Archis 79 -Habitation Rural” tổ chức tại Pháp, đồ án “Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn - Cà Mau” của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tất; đồ án “Làng nổi Đồng Tháp Mười” của KTS Bùi Quang Ngân, Đặng Bá Cầu, Nguyễn Ngọc Bình và đồ án “Nhà ở nông thôn: Đơn vị cân bằng sinh thái” của KTS Nguyễn Luận, Trần Quang Trung đã đạt giải Nhất. Năm 1985, đồ án “Nhà ở Làng hoa Ngọc Hà” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Hà, Lê Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn đạt giải Nhất tại cuộc thi Kiến trúc quốc tế “Nhà ở cho ngày mai”…

Giai đoạn đổi mới từ 1987 đến nay

Công cuộc đổi mới đã thúc đẩy tiến trình đô thị hóa trên cả nước, hàng trăm đô thị mới ra đời. Các đô thị cũ được cải tạo mở rộng và phát triển. Năm 1997, xuất hiện mô hình Khu đô thị mới (KĐTM). Sự xuất hiện các KĐTM và hàng trăm nghìn công trình cao tầng như chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại... đã đem đến một diện mạo mới cho kiến trúc đô thị. Xu hướng phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững và gần đây là kiến trúc cộng đồng được Hội KTS Việt Nam cổ vũ, khích lệ.

Ngày 4/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2008-QĐ/TTg về việc lấy ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam. Trong gần 40 năm đổi mới, kiến trúc phát triển mạnh mẽ ở mọi loại hình từ kiến trúc nhà ở, công trình công cộng, công trình văn hóa... đến công trình tôn giáo tín ngưỡng.

tt
Hạng mục công trình Cộng đồng của Học viện Viettel do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế. 

Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện trên cả nước đã có hơn 20.000 KTS, trong đó có hơn 6.500 là hội viên Hội KTS Việt Nam. Rất nhiều KTS trẻ đã đi tiên phong trong sáng tác theo xu hướng mới như kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng. Nhiều người đạt được các giải thưởng danh giá trong các cuộc thi kiến trúc quốc gia và quốc tế như: Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh... 

Nhìn lại chặng đường 75 năm phát triển của Hội KTS Việt Nam, giới KTS càng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình để “Đoàn kết hơn nữa - Đổi mới hơn nữa - Sáng tạo hơn nữa” góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong thời kỳ phát triển mới.

Báo Đắk Lắk điện tử

 


Ý kiến bạn đọc