Multimedia Đọc Báo in

Để bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số

08:13, 19/03/2023

Kế hoạch số 13/KH-UBND do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành ngày 3/2/2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025 đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các chủ nhân của di sản nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân phải hiểu rõ việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là do chính bản thân mình thực hiện thì mới có hiệu quả, thiết thực. Dưới những góc độ khác nhau, xin góp thêm một tiếng nói để các cấp, các ngành có cách nhìn đúng đắn và đồng bộ về vai trò, vị trí của văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong sự phát triển xã hội.

Trong các buôn làng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, già làng đóng vai trò hết sức quan trọng, là người trực tiếp quản lý mọi sinh hoạt, trật tự, dựa trên những quy định của tập tục truyền thống. Vì vậy, hằng năm, tỉnh, các địa phương nên tổ chức hội nghị các già làng để bàn bạc, thảo luận những quyết sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của đồng bào các dân tộc cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của họ một cách chân thành và biết tôn trọng. Qua đó, già làng có điều kiện, cơ hội để phát huy được vai trò của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa do cha ông để lại.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải do chính người dân thực hiện.

Bên cạnh đó, luật tục (tập quán pháp) là một trong các di sản văn hóa đáng kể của đồng bào các dân tộc thiểu số và ngày nay vẫn còn thấm sâu vào đời sống cộng đồng, thể hiện qua việc đồng bào vẫn luôn có ý thức thực hiện nghiêm luật tục của dân tộc mình. Do đó, luật pháp hiện nay cần tiếp thu và kế thừa những giá trị của luật tục và vận dụng linh hoạt vào cuộc sống. Bảo tồn luật tục chính là bảo tồn những giá trị tích cực của nó nhưng cũng cần loại bỏ những điều khoản không tích cực đối với đời sống cộng đồng.

Nền văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc rất độc đáo và sinh động, tiêu biểu nhất là văn hóa lễ hội. Những hình thức nghệ thuật như đánh chiêng, múa hát, uống rượu cần... chủ yếu chỉ xuất hiện trong các sinh hoạt nghi lễ, lễ hội. Để tránh tình trạng “thất truyền” thì cần ghi chép và quay phim tư liệu một cách đầy đủ nội dung, cách thức tổ chức của các lễ hội, nhất là những lễ hội cộng đồng. Lễ hội tồn tại được phải do yếu tố tự thân, nghĩa là do nhu cầu của chính người dân, Nhà nước chỉ quản lý bằng pháp luật và hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động lễ hội. Bảo tồn lễ hội dân gian thì phải tôn trọng tính khách quan của nó, không được áp đặt và tránh cách làm theo kiểu phong trào nhất thời.

Một điều cũng cần nói đến là muốn bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân trong các hoạt động văn hóa. Các giá trị truyền thống cần được nghiên cứu, sắp xếp, chọn lọc và phát huy; còn những loại hình nào mang tính tiêu cực, trì hoãn sự phát triển thì nên loại bỏ nó. Việc đưa ra những ý tưởng, nội dung, giải pháp để tiếp cận các giá trị văn hóa phải được tiến hành từ nhiều phía, với cái nhìn vừa cụ thể, vừa bao quát để nhận diện ra “bản sắc của nó”. Bảo tồn các giá trị văn hóa phải vừa phản ánh tính thích ứng với các giá trị văn hóa khác, vừa đi sâu vào việc phát triển những tinh hoa văn hóa của tộc người.

Một trong những điều kiện giúp việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các tộc người đó là phát huy vai trò của hệ thống bảo tàng - một thiết chế chuyên môn để làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa. Bảo tàng sẽ phát huy và làm tốt chức năng của mình đối với các giá trị di sản văn hóa của các thế hệ tiền nhân để lại, biến các giá trị ấy thành hành trang tinh thần, thúc đẩy ý thức bảo tồn và sức sáng tạo của thế hệ đương đại trong chặng đường tiếp theo.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.