Multimedia Đọc Báo in

Mộc mạc tiếng chiêng xưa

08:48, 26/01/2023

Cũng như những cộng đồng cư dân, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, người Êđê ở huyện Ea H’leo sở hữu nhiều bài chiêng cổ, truyền thống đặc trưng của dân tộc Êđê tại vùng đất này. Những bài chiêng không chỉ mang yếu tố tâm linh, mà còn chứa đựng tình cảm của người dân, buôn làng.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo, nghệ thuật chiêng cổ của người Êđê đang hiện diện ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện, phổ biến nhất tại 21/53 buôn ở các xã Ea Răl, Ea Khăl, Ea Hiao, Dliê Yang, Ea Nam và Ea Sol. Đối với người Êđê ở đây, cũng như các tộc người Tây Nguyên, chiêng không chỉ là nhạc cụ phổ biến mà còn là tài sản quý giá của gia đình, dòng họ, của tộc người, bởi vì bộ chiêng là một vật thiêng; họ tin rằng, trong mỗi chiếc chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Theo đó, âm thanh cồng chiêng cũng mang tính thiêng, họ sử dụng nó như một ngôn ngữ để thông qua đó “đối thoại” với tổ tiên và thần linh.

Tái hiện Lễ cúng sức khỏe có thực hành nghệ thuật chiêng cổ của người Êđê tại buôn Drai Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo).

Ông Mlô Y Quan, một người lớn tuổi ở buôn Drai Điết (xã Dliê Yang) cho hay, hiện nay, nghệ thuật chiêng cổ của người Êđê ở huyện Ea H’leo vẫn hiện diện trong đời sống của cộng đồng, vẫn gắn bó với những nghi lễ, lễ hội, trong sinh hoạt như trong Lễ cúng cầu mưa, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng thọ… Đặc biệt, mỗi một bài chiêng đánh ở các nghi lễ, lễ hội lại có những nguyên tắc riêng, phù hợp từng hoàn cảnh, đó chính là sự “đối thoại”, cũng chính là nghệ thuật diễn tấu. Đơn cử, diễn tấu chiêng cổ trong Lễ cúng cầu mưa được đánh ở không gian rộng trong buôn như sân Nhà cộng đồng hoặc một khu đất rộng ở trong buôn; trước kia ngồi trên ghế kpan để đánh, hiện nay có thể dùng ghế nhựa thấp; lễ vật gồm có bò, heo, gà, ché rượu (rượu cần). Còn nghệ thuật chiêng cổ trong đám ma, Lễ bỏ mả, một lễ quan trọng của người Êđê, thì cả dòng họ và cộng đồng buôn đều đến dự, không gian đánh trong đám ma ở nhà của người mất, không gian đánh Lễ bỏ mả ở nhà mả (nhà mồ)… Các bài chiêng và sinh hoạt đánh chiêng vẫn giữ nguyên dáng vẻ dân gian, mộc mạc, tinh tế và sâu lắng nơi đại ngàn hùng vĩ. Dù rằng, quá trình diễn tấu chiêng trong các nghi lễ có những quy định chặt chẽ, nhưng bên cạnh đó cũng không kém phần ngẫu hứng, sáng tạo, mang những tiết tấu riêng của cộng đồng sở hữu và phù hợp với không gian diễn tấu.

Đến xã Dliê Yang để tìm hiểu về nghệ thuật diễn tấu chiêng cổ, chúng tôi may mắn được tham dự chương trình tái hiện Lễ cúng sức khoẻ của ông Mlô Y Quan do thầy cúng Adrơng Y Blih (buôn Drai Điết) thực hành. Các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, người thân của người được cúng sức khoẻ cũng có mặt đông đủ. Khi lễ vật sắp xếp xong, thầy cúng mời người được cúng ngồi xuống chiếc chiếu hoa bên ché rượu và bắt đầu nghi lễ cúng.

Thầy cúng Adrơng Y Blih (bên phải, hàng trên) cúng sức khoẻ cho ông Mlô Y Quan.

Theo thầy cúng Adrơng Y Blih, lễ cúng được thực hiện theo thứ tự các bước, cúng cho người đã khuất, cúng cho ông bà tổ tiên và cuối cùng là cúng cho chủ nhân buổi lễ, lời khấn với ngụ ý “xin các vị thần Núi, thần Sông, thần Rừng phù hộ cho nó (ông Mlô Y Quan) sức khỏe, che chở, bảo vệ nó không gặp tai ương, che chở nó lúc ốm đau…”. Lời thầy cúng vừa dứt cũng là lúc đội cồng chiêng hòa tấu rộn rã mời các vị thần về dự lễ; đó cũng chính là phương tiện gắn kết con người, khẳng định giá trị cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống…

Những người tham dự buổi lễ đều có những suy nghĩ cho riêng mình. Riêng tôi đã bị cuốn theo nhịp chiêng, theo những câu chuyện ẩn chứa trong mỗi tiếng chiêng, là sự đoàn kết, gắn bó của người dân… cùng những tín ngưỡng, tâm linh thể hiện mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc của con người.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.