Multimedia Đọc Báo in

Để tiếng chiêng ngân dài

09:02, 27/06/2021

Ở buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) nhiều năm qua vẫn rộn rã âm thanh cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng như truyền nhiệt huyết, sức sống mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người con nơi đây, tạo nên sức mạnh văn hóa tinh thần, niềm tin, tình đoàn kết.

Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, buôn Kplang đã thành lập, duy trì 3 đội cồng chiêng đại diện cho ba thế hệ: người lớn, thanh niên và thiếu nhi. Trong đó, "truyền lửa" cho thế hệ sau giữ gìn và phát huy giá trị cồng chiêng là sự tận tâm, nhiệt huyết của 10 thành viên trong Đội chiêng buôn Klang. Thành viên lớn tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi, người trẻ nhất cũng đã 50 tuổi. Nghệ nhân Y Yik Byă (55 tuổi), thành viên Đội chiêng buôn Kplang tự hào: “Tiếng cồng, tiếng chiêng là linh hồn của người Êđê, bởi âm thanh của nó luôn hòa quyện giữa tâm hồn con người với núi rừng bao la. Thế nên, dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, người Êđê vẫn lưu giữ văn hóa cồng chiêng gắn với không gian nhà dài và sinh hoạt cộng đồng”.

Các em thiếu nhi ở buôn Kplang hào hứng học đánh chiêng Kram.
Các em thiếu nhi ở buôn Kplang hào hứng học đánh chiêng Kram.
“Với việc “truyền lửa” bằng cách “truyền - nối” giữa các thế hệ, các đội cồng chiêng sẽ còn phát triển và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Êđê. Từng nhịp chiêng, điệu hát dân ca của các bạn trẻ không chỉ là niềm tự hào của những bậc nghệ nhân, mà còn với mong ước để âm thanh cồng chiêng mãi vang xa đến tận mai sau".
Ông Trần Quốc Dũng, Công chức Văn hóa - Xã hội xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc)

Với mong muốn ấy, các nghệ nhân trong Đội chiêng buôn Kplang đã góp sức truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong buôn cũng như học viên các lớp học đánh chiêng do địa phương tổ chức. Hơn 3 năm qua, nhờ sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân lớn tuổi, Đội chiêng thanh niên buôn Kplang đã có thể đánh thuần thục, kết hợp ăn ý một số bài chiêng trong các lễ hội truyền thống của người Êđê như: Gọi về sum họp, Mừng lúa mới, Cúng bến nước, Vào mùa, Mừng thọ…

Em Y Salem Mlô, là một trong 14 thành viên (7 nam, 7 nữ) của Đội chiêng thanh niên buôn Kplang cho biết: "Lúc nhỏ, em thường được cha mẹ cho đi theo đến các lễ hội truyền thống trong buôn. Mê tiếng chiêng, em theo người lớn tập đánh. Ban đầu cảm thấy hơi khó nhưng khi được các nghệ nhân chỉ dạy từng chút thấy cũng quen. Giờ thì buổi học nào vào mỗi tối cuối tuần em cũng có mặt, thích nhất là lúc cùng các bạn trong nhóm biểu diễn trên sân khấu”.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nghệ nhân Y Út Byă, Trưởng buôn đồng thời là Đội trưởng Đội chiêng buôn Kplang cũng luôn đau đáu một nỗi niềm cồng chiêng là báu vật của ông bà để lại, nếu không cố gắng truyền cho con cháu thì sau này những người già mất đi còn ai biết đánh chiêng nữa. Do đó, không chỉ dạy đánh chiêng cho lớp thanh niên, nghệ nhân Y Út cùng các nghệ nhân khác còn thành lập, duy trì đội chiêng “nhí”.

Cứ vào mỗi dịp hè, các nghệ nhân lại đến từng gia đình động viên các em tham gia lớp học đánh chiêng. Từ 10 tuổi các em có thể gia nhập đội chiêng để bắt đầu tập luyện chiêng Kram (chiêng tre), nhiều em tiếp thu tốt, say mê luyện tập, sau một thời gian theo học đã có thể diễn tấu được các bài chiêng cơ bản. Nhìn con cháu say sưa luyện tập nghệ nhân Y Út tin rằng, thế hệ trẻ được các nghệ nhân trong Đội truyền dạy sẽ tiếp nối công việc thầm lặng để giữ nhịp cồng chiêng mãi ngân dài trong buôn làng.

Một buổi diễn tấu cồng chiêng của các nghệ nhân Đội chiêng buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc).
Một buổi diễn tấu cồng chiêng của các nghệ nhân Đội chiêng buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc).

Xã Tân Tiến có 4 buôn đồng bào dân tộc Êđê với 679 hộ, trên 3.000 nhân khẩu. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng, những năm qua, chính quyền địa phương đã tổ chức một số lễ hội gắn với biểu diễn cồng chiêng; mua 3 bộ cồng chiêng mới, 20 bộ trang phục truyền thống trang bị cho các đội cồng chiêng; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Kplang; tổ chức 6 lớp dạy đánh cồng chiêng cho khoảng 200 thanh thiếu nhi… Hiện các gia đình trong các buôn của xã đang lưu giữ 30 bộ cồng chiêng quý, hiếm.

Thùy Linh


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.